MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nhân lao động nhọc nhằn trên đường về quê ăn Tết

Bảo Hân LDO | 20/01/2023 07:00

Đối với những công nhân lao động xa quê, được về nhà ăn Tết sau một năm làm việc vất vả luôn là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn. Nhưng hành trình về quê đối với họ nhiều khi thật vất vả, nhất là đối với những vợ chồng có con nhỏ. 

Anh Nguyễn Văn Thăng - công nhân làm việc tại một công ty nằm trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội - về quê vào chiều 18.1 sau khi kết thúc buổi làm việc cuối cùng.  

Quê anh Thăng ở Bắc Giang, cách nơi làm việc khoảng 90km; vợ anh quê ở Nghệ An. Tết này, vợ anh Thăng được tổ chức Công đoàn phát vé xe về quê ở Nghệ An nên anh quyết định vợ con sẽ đi xe ôtô vào quê ngoại trước; còn anh sẽ về quê nội bằng xe máy. Từ nơi ở trọ về quê anh mất khoảng 2 giờ đi bằng xe máy. “Thời tiết lạnh ngày tôi đi về, khiến chặng đường đi như xa hơn, vất vả hơn” - anh Thăng nói.  

Anh Thăng chọn phương tiện về quê bằng xe máy vì rất ngại việc phải chen chúc trên các chuyến xe khách vào dịp lễ Tết. Đã có lần anh trải nghiệm cảnh xe 40 chỗ nhưng nhà xe "nhồi nhét" gần 100 người. “Nếu mua được vé ngay từ bến xe còn đỡ; lên xe dọc đường chắc chắn sẽ không có ghế ngồi” - anh Thăng nói.

Anh Thăng nói thêm, thời gian gần đây đã giảm cảnh nhồi nhét nhưng việc bắt xe vẫn rất khó khăn. Ngoài ra, anh Thăng đi xe máy để khi về quê còn có phương tiện đi lại chúc Tết anh em, họ hàng.  

Anh Thăng ở nhà cùng bố mẹ đẻ đến hết ngày 29 Tết Âm lịch, sau đó, anh sẽ bắt xe khách vào Nghệ An tụ họp cùng gia đình nhỏ của mình ở quê vợ. Sau khi đón Tết ở quê vợ, ra Tết, cả nhà sẽ bắt xe khách để trở về Hà Nội.  

“Có lẽ cả nhà sẽ lại chịu cảnh chen chúc, tăng giá, nhưng biết làm sao được. Nếu bắt xe riêng cho cả nhà thì sẽ tốn một số tiền lớn, mà chưa chắc đã có sẵn xe” - anh Thăng than.  

Chị Đỗ Thị Nhương - công nhân Công ty TOTO, khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) - chọn phương tiện về quê cho cả gia đình bằng xe máy. Cả nhà đi trên 2 xe máy, vợ chở một con, chồng ở một con cùng đồ đạc về nhà đón Tết.  

Chị Đỗ Thị Nhương rút tiền từ cây ATM trước khi cả gia đình về quê ăn Tết. Ảnh: Bảo Hân 

“Từ chỗ trọ về quê tôi là 100km, vợ chồng tôi đi chậm rãi khoảng gần 3 giờ là về đến nhà. Đi xe máy vừa tiết kiệm, lại có phương tiện đi chúc Tết ở quê, mặc dù tôi biết sẽ vất vả hơn khi trời giá rét” - nữ công nhân nói.  

Theo chị Nhương, nếu thuê xe riêng về thì cả nhà sẽ rất nhàn, nhưng phải chi trên 1 triệu đồng - số tiền rất lớn so với thu nhập của vợ chồng chị. Tổng thu nhập của cả 2 chỉ khoảng 15-16 triệu đồng/tháng, trong khi có rất nhiều khoản phải trang trải, nhất là chi phí nuôi 2 con đang tuổi ăn học. 

Nếu đi xe khách, rất dễ gia đình chị phải chịu cảnh nhồi nhét, rồi chặt chém. “Vì vậy, đi xe máy, dù vất vả, nguy hiểm, nhưng tôi thấy vẫn là phương tiện phù hợp nhất đối với gia đình tôi” - chị Nhương giải thích.  

Đi làm cả năm vất vả, đến thời gian nghỉ Tết, nhiều công nhân vẫn phải tính toán tiết kiệm từng đồng để lo cho gia đình. Họ vất vả cả khi được nghỉ ngơi làm việc, trên những chặng đường về quê với cảnh nhồi nhét, chật chội hoặc nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn