MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nhân lao động Vĩnh Long mong ngóng có chỗ ở tử tế

Nhóm PV LDO | 12/06/2022 07:07

Vĩnh Long – Gặp tình cảnh khó khăn, vật giá leo thang, xăng dầu tăng giá, người lao động tại Vĩnh Long mong muốn được nhận hỗ trợ để có một nơi ở tử tế...

Nóng cũng phải… chịu

Kể từ khi bước vào giai đoạn bình thường mới, đời sống người lao động lại càng khó khăn khi phải đối diện với tình trạng vật giá leo thang, xăng dầu tăng giá. Mức lương thấp khiến họ lại thiếu thốn trăm bề.

Khu Công nghiệp Hòa Phú (tỉnh Vĩnh Long).

Chị Huỳnh Thị Trúc Nhi (26 tuổi, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, 2 vợ chồng lấy nhau được 6 năm chỉ đủ ăn, đủ mặc chứ hoàn toàn không có dư dả. Trong căn trọ chật hẹp, việc nấu nướng, vệ sinh đều khép kín. Phòng nhỏ nên 3 người sinh hoạt rất chật chội, không có máy điều hòa, trên lợp máy tôn. Mùa hè rất nóng nhưng phải chịu.

Chị Huỳnh Thị Trúc Nhi (26 tuổi, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long).

“Tôi mong muốn chỗ ở rộng hơn, công nhân lao động được quyền sở hữu căn nhà; thứ 2 là tiện nghi, cuộc sống được thoải mái hơn; thứ 3 là mong muốn có khu vui chơi, giải trí cho con em và giá tiền phù hợp với túi tiền người lao động. Công nhân như chúng tôi ở khu nhà trọ đông đúc, ồn ào, ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt là những vấn đề gây gổ, cự cãi” - chị Huỳnh Thị Trúc Nhi nói.

Chị Nhi cũng chia sẻ thêm, chị đã nhận được tiền hỗ trợ từ đại dịch COVID-19 nhưng có nhiều đồng nghiệp khác thì chưa nhận được hỗ trợ. Gói hỗ trợ COVID-19 hiện tại cũng đã hết, người lao động chỉ còn trông chờ vào hỗ trợ tiền trọ để đỡ lo hơn. “Tôi đề xuất Chính phủ nên có mức hỗ trợ cho người lao động vay vốn với lãi suất thấp, tiền lương có thể trả lãi để có được căn nhà mà vẫn đảm bảo được chi tiêu” – chị Nhi bày tỏ mong muốn.

Không khá hơn chị Nhi, chị La Thảo Huyên (sinh năm 1995, huyện Trà Ôn) chia sẻ 2 vợ chồng làm công nhân được 8 năm, lương giao động từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, có một con 3 tuổi. Trong căn trọ có diện tích 12m2 với mức thuê 800.000 đồng/tháng, hằng ngày, 2 vợ chồng chị luôn phải trăn trở về chuyện tiền nong.  

 Chị La Thảo Huyên (sinh năm 1995, huyện Trà Ôn).

"Phòng trọ tôi ở có diện tích 12m2, sinh hoạt nấu nướng cũng chỉ vỏn vẹn trong chừng ấy. Tôi mong muốn được thuê ở khu nhà trọ tập thể của công nhân hoặc được mua nhà trả góp. Công ty tôi làm hiện cũng cho hỗ trợ vay gói quỹ Sec nhưng công nhân vẫn muốn được tiếp cận vốn vay hỗ trợ để người lao động có nhiều sự lựa chọn", chị Huyên nói.

Trăn trở của Công đoàn cơ sở

Mặc dù đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho công nhân, nhưng hiện tại, Công đoàn cơ sở tại các công ty trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cũng rất trăn trở trong việc định hướng hỗ trợ sắp tới, đặc biệt là về vấn đề nhà ở.

Ông Trần Hữu Lộc, Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tỷ Xuân, Vĩnh Long cho biết: "Điều trăn trở nhất khi triển khai kế hoạch nhà ở xã hội là lộ trình như thế nào, sẽ đi đến đâu và khi nào thì công nhận mới được tiếp cận vì hiện tại chương trình vẫn còn rất ít thông tin. Do đó, Công đoàn khó có thể tư vấn cho công nhân".

Ông Trần Hữu Lộc, Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tỷ Xuân, Vĩnh Long.

Ông Lộc cũng chia sẻ thêm về khu nhà trẻ cho con của người lao động. Khó khăn nhất phải kể đến trường hợp người lao động khi vào công ty lúc chưa có gia đình, đến lúc có gia đình họ sẽ trăn trở việc gửi con.

Do đó, rất khó để xây dựng một khu nhà trẻ riêng cho người lao động vì cần nhiều yếu tố đến chuyên môn, nghiệp vụ. Hơn nữa, thời gian làm việc của người lao động không cố định do tăng ca nên mở nhà trẻ là điều không dễ dàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn