MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nhân lâu năm ngại chuyển nơi làm việc mới

Mạnh Cường LDO | 19/03/2024 08:00

Dù nơi làm việc hiện tại khá áp lực, vất vả nhưng khi nhắc đến vấn đề chuyển nơi làm việc mới, phần lớn công nhân đều tỏ ra ái ngại.

Chị Nguyễn Thị Hồng (34 tuổi, Thái Bình) đã gắn bó với công ty hiện tại được 10 năm. Đây cũng là nơi làm việc đầu tiên của chị từ lúc bắt đầu xin vào làm công nhân.

Sau 10 năm gắn bó, mức lương trung bình của chị Hồng đạt được khoảng 8 - 8,5 triệu đồng/tháng. Nếu chuyển nơi làm việc khác, chị Hồng cho biết, với năng lực hiện tại vẫn có thể đạt được mức lương tương ứng, thậm chí còn cao hơn.

Lý do chị Hồng ngại chuyển nơi làm việc - đó là ảnh hưởng các quyền lợi về bảo hiểm và phụ cấp. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, chị Hồng rất ái ngại việc bắt đầu một hành trình mới. Lý do được nữ công nhân chia sẻ - đó là ảnh hưởng tới bảo hiểm xã hội và phụ cấp hiện hưởng.

“10 năm làm việc, lương cơ bản của tôi ở mức 4,8 triệu đồng. Với mức lương này khi hưởng các chế độ ốm đau, thất nghiệp hay chỉ làm giờ hành chính cũng không bị thiệt thòi như người mới vào” - chị Hồng cho hay.

Theo nữ công nhân, nếu bây giờ chuyển nơi làm việc mới sẽ được công ty đóng bảo hiểm với mức chỉ 3,9 triệu đồng. Những ngày nghỉ lễ, Tết, ốm đau được hưởng rất ít. Bên cạnh đó, theo chị Hồng, lương cơ bản thấp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lương hưu nhận về sau này.

Ngoài ra, chị Hồng chia sẻ còn mất đi các chế độ đặc biệt dành cho công nhân lâu năm. Trong đó, không thể không nhắc đến tiền thâm niên 500.000 đồng, tiền trách nhiệm 250.000 đồng và thêm 5 ngày nghỉ phép năm.

Khi được hỏi có bao giờ bản thân nghĩ đến vấn đề nghỉ việc hay không, chị Hồng trả lời ngay: “Có chứ”. Tuy nhiên, kế hoạch của chị là nghỉ hẳn ra làm riêng, không làm công nhân nữa. Phương án dự phòng khác của chị Hồng là làm đến khi đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, lúc đó xin nghỉ cũng đỡ lo lắng về khoản lương hưu sau này.

Với chị Nguyễn Thị Phượng (47 tuổi) - công nhân giày da tại tỉnh Nam Định, nghỉ việc bây giờ chẳng khác gì thất nghiệp. Vì thế, dù công việc đang rất áp lực, chị vẫn sẽ cố gắng bám trụ đến khi không thể hoặc tới lúc công ty cho nghỉ việc.

“Ở tuổi này bây giờ mà nghỉ việc chẳng nơi nào nhận nữa. Các công ty họ chỉ nhận những người trẻ, người lớn tuổi vào phải đào tạo rất lâu mà không tạo ra nhiều năng suất sẽ rất dễ bị từ chối” - chị Phượng cho hay.

Với gần 8 năm làm việc, chị Phượng cho biết chỉ tự tin với các công việc mình đang làm, tuy nhiên nó rất nhỏ. Vì công việc hàng ngày chỉ là một khâu trong cả quy trình. Dù có làm công ty khác cùng lĩnh vực, chị Phượng cũng không dám khẳng định sẽ làm tốt huống chi làm khác khâu đoạn, khác lĩnh vực.

Một lý do khác được chị Phượng chia sẻ khi không muốn chuyển nơi làm việc đó là khó làm quen với môi trường mới. Theo nữ công nhân, bây giờ rất ít công ty làm việc theo hình thức công nhật (làm việc tạm thời, không cố định thời gian làm việc) như nơi đang làm. Nếu làm việc theo hình thức khoán, chị rất khó thích nghi. Như vậy, chắc chắn thu nhập sẽ bị ảnh hưởng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn