MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Nguyễn Thị Hồng đang lo lắng về các khoản chi trong Tết Âm lịch sắp tới. Ảnh: Hạnh - Hân

Công nhân lo khoản chi phí đi lại tăng cao dịp Tết

Bảo Hân - Lương Hạnh LDO | 13/01/2023 06:10

Thu nhập thấp, chỉ dành dụm được số tiền ít ỏi sau 1 năm làm việc khiến nhiều công nhân lo lắng về khoản chi phí đi lại tăng cao cũng như các khoản chi tiêu khác vào dịp Tết.  

“Tết gần mà xa” 

“Phải có ít nhất 15 triệu đồng mới có tiền về quê ăn Tết, nhưng giờ trong túi còn chưa đến 1,5 triệu đồng. Tết gần mà xa quá” - chị Trần Thị Hòa (quê Nghệ An) than thở.  Những ngày cận Tết, không khí trầm lắng bao trùm lên căn phòng trọ 20m2 của gia đình chị Hòa - một nữ công nhân trong Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội).  

Hai vợ chồng chị Hòa làm công nhân được gần 4 năm, thu nhập trung bình mỗi tháng của cả 2 chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng. Mới đây, con trai 8 tuổi bị mắc căn bệnh hiểm nghèo, chị Hòa tốn cả chục triệu đồng để chữa bệnh cho con.  

Quê ở xa, gia đình chị thường bắt đầu di chuyển về quê từ ngày 27 Tết Âm lịch. Một lượt tiền vé xe về quê của 3 người mất 600.000 đồng; tiền taxi đi từ trung tâm TP.Vinh (Nghệ An) về đến nhà chị mất thêm 250.000 đồng. Chưa kể, chi phí ăn uống trên dọc đường cũng đắt hơn ngày thường. 

“Năm ngoái tôi dậy sớm cắm nồi cơm, luộc thêm mấy quả trứng. Trên đường đi về quê, khi nào đói cả nhà bỏ ra ăn, đỡ tốn tiền ở trạm dừng. Năm nay tôi cũng sẽ chuẩn bị như vậy” - nữ công nhân tâm sự. Chị Hòa nhắc về khoản đáng lo hơn đó là chi phí cần để mua đồ Tết, biếu quà Tết cho cha mẹ, nội ngoại; mua sắm thực phẩm sử dụng trong mấy ngày Tết; tiền lì xì...

Tính sơ sơ cũng đến 10 triệu đồng. Sau Tết, trở lại công ty làm việc, anh chị lại mất chi phí xe lượt ra. Không chỉ vậy, chi phí sinh hoạt những ngày đầu năm cũng khiến chị quẩn quanh trong nỗi lo toan bộn bề. 

“Số tiền hai vợ chồng tích lũy đem ra sử dụng hết để chữa bệnh cho con. Tết đến tôi cũng rất ngại vay mượn, mình có nỗi lo, người khác cũng có. Thế nên Tết năm nay có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít” - chị Hòa nói. 

“Thiếu trước hụt sau” 

Cũng trong tình cảnh “thiếu trước hụt sau” là vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng (thuê trọ tại thôn Ô Cách, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).

Chị Hồng làm công nhân vệ sinh trong khu công nghiệp, tổng thu nhập (sau khi trừ khoản tiền đóng bảo hiểm) chỉ 4,6 triệu đồng/tháng. Mọi năm, khi sức còn khoẻ, chị còn đi làm thêm để có thêm thu nhập, nhưng 3 năm nay, khi sức đã yếu, chị chỉ đi làm giờ hành chính.

Không chỉ vậy, chị còn hay bị ốm đau, bệnh tật. Lần gần đây nhất khi đi khám bệnh, chị phải bỏ ra số tiền hơn cả tháng lương của chị (5 triệu đồng).  

Tết sắp đến, như nhiều công nhân khác, chị rất lo lắng bởi sẽ rất nhiều khoản phải chi, từ tiền mua sắm quần áo cho các con, tiền đi lại, tiền mua đồ Tết, chúc Tết bố mẹ, họ hàng…

“Tôi chỉ còn biết trông chờ vào khoản tiền lương tháng này cũng như số tiền thưởng Tết trong những ngày tới” - chị Hồng chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn