MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Nguyễn Thị Huyền lo lắng không kiếm được việc làm mới sau khi bị mất việc. Ảnh: Phương Hân

Công nhân lo lắng khi mất việc ở tuổi ngoài 40

Quế Chi - Minh Phương LDO | 11/11/2023 22:50

Liên quan đến vụ việc tổng giám đốc về nước không trở lại, người lao động bị nợ lương, bảo hiểm xã hội tại Công ty TNHH T.T.B Việt Nam MFG (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), theo tìm hiểu của phóng viên, có rất nhiều người lao động là nữ, đã lớn tuổi.

Đối với những người lao động đã ngoài 40 tuổi, cùng với lo lắng khi bị nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, họ còn cảm thấy hoang mang trong thời gian tới bởi rất khó kiếm công việc mới.

Bị nợ gần 2 tháng tiền lương

Từ khi công ty đóng cửa, ngừng sản xuất, chị Đỗ Thị Soạn (sinh năm 1977) đứng ngồi không yên. Nhà ở gần, nên thi thoảng chị lại chạy xe máy qua công ty để nắm tình hình, trò chuyện với đồng nghiệp.

Chị Soạn gắn bó với công ty đã 12 năm. Sau quãng thời gian cống hiến, chị được tin tưởng giao chức quản lý phòng mẫu.
“Công việc ổn định, nơi làm lại gần nhà, tôi tưởng sẽ gắn bó với doanh nghiệp này lâu dài, vậy mà…” - chị Soạn than thở.

Như nhiều lao động khác, chị Soạn bị nợ 1 phần của lương tháng 9.2023 và lương tháng 10. Trước đó, công ty đã trả trước mỗi lao động 5 triệu đồng, tính vào lương tháng 9. Theo tính toán của chị Soạn, công ty đang nợ chị khoảng 40 triệu đồng. Không chỉ bị nợ lương, chị Soạn còn bị nợ bảo hiểm xã hội. Hiện công ty mới chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho chị cũng như nhiều người lao động khác đến tháng 2.2023.

“Tôi mong muốn được trả lương đầy đủ. Vợ chồng tôi trông chờ vào đồng lương đi làm của tôi. Chồng tôi hiện đang nghỉ làm, không có thu nhập. Nếu tôi không có lương trong thời gian tới thì chỉ biết trông chờ vào người con lớn hiện đang đi làm” - chị Soạn nói.

Một điều chị Soạn lo lắng không kém, đó là khả năng kiếm công việc mới. Với độ tuổi 46, rất khó để tìm được công việc có thu nhập tương đương như trước, lại ở gần nhà như công việc mà chị vừa bị mất.

“Đi xin việc sợ không nơi nào nhận”

Bà Trần Thị Vĩnh (51 tuổi) đã làm ở Công ty TNHH T.T.B Việt Nam MFG 12 năm. Mỗi tháng bà nhận từ 8-9 triệu đồng tiền lương, tùy thuộc vào thời gian tăng ca. Bà Vĩnh bị nợ lương hơn 1 tháng tương ứng với 12 triệu đồng, bảo hiểm bị nợ từ tháng 2.2023 đến nay.

“Tôi đã có tuổi, đi xin việc không dễ dàng như lớp trẻ. Không có việc sẽ khó đóng tiếp bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu. Nghỉ ở đây, chế độ không được hưởng, việc làm khó kiếm, lấy tiền đâu để nuôi con ăn học” - bà Vĩnh than thở.

Đồng thời, bà Vĩnh cũng đề nghị cần có biện pháp xử lý “mạnh tay” hơn để ngăn chặn doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động.

Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Huyền (49 tuổi) - công nhân Công ty TNHH T.T.B Việt Nam MFG - than thở: “Tiền lương mất đi còn có thể kiếm lại được nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội mới là điều lo lắng hơn cả”.

Bà Huyền cho biết, tuổi bây giờ rất khó xin việc, nếu doanh nghiệp có tuyển cũng chỉ tuyển lao động dưới 45 tuổi.

Bảo hiểm xã hội ảnh hưởng rất nhiều đến những công nhân lâu năm như bà Huyền. Đóng bảo hiểm được 12 năm, nếu muốn đóng nối thì nữ công nhân phải được nhận vào làm việc, nếu không được chốt sổ sẽ rất thiệt thòi.

“Chủ doanh nghiệp không về giải quyết, chúng tôi rất bế tắc, không biết làm thế nào...” - bà Huyền nói.

Bà Vũ Thùy Trang - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH YouMe - cho biết, việc doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội sẽ làm gián đoạn quá trình ghi nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người lao động khi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.

Ngoài ra, khi doanh nghiệp nợ BHXH từ 30 ngày trở lên, thẻ bảo hiểm y tế của người lao động sẽ bị khóa. Điều này sẽ gây khó khăn cho người lao động khi đi khám chữa bệnh và được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn