MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Ngũ Bích Thời lo lắng khi nghĩ đến cảnh phải chen chúc trên xe khách về quê ăn Tết. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Công nhân lo lắng khi nghĩ đến cảnh chen chúc tàu, xe

Quế Chi LDO | 17/01/2024 09:30

Nhiều công nhân cho biết, sẽ chọn cách đi bằng xe máy cho quãng đường hàng trăm cây số, hoặc chấp nhận phải chen chúc trong những chuyến xe khách.

Sợ khi nghĩ đến cảnh chen chúc trên xe khách

Chị Lường Thị Hương (sinh năm 2002, công nhân Công ty TNHH KHKT(Vina) Shinmyoung Electronics tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Quê ở huyện Mường Trai, tỉnh Sơn La - cách nơi làm việc gần 500km đi đường, nên mỗi dịp lễ Tết, nữ công nhân trẻ tuổi này lại đau đầu về chuyện đi lại.

Còn gần 1 tháng nữa mới nghỉ Tết để về quê, nhưng chị Hương đã lo lắng “dặm trường” đi lại ngay từ bây giờ. Chị dự định sau khi kết thúc ngày làm việc cuối cùng - theo lịch của công ty thông báo là 28 Tết Âm lịch, sẽ ra đường chính để bắt xe về quê. Có năm, nữ công nhân này gọi điện cho nhà xe đặt chỗ trước nhưng vẫn chen chúc, không có chỗ ngồi.

“Mỗi lần đi về quê, tôi sợ nhất là cảnh chen chúc suốt hàng trăm cây số, lại có nhiều đoạn đường đồi núi. Ngày Tết, nhu cầu đi lại cao, có được chỗ trên xe khách để về quê kịp đón Tết là may mắn lắm rồi” - chị Hương cho hay.

Đi xe máy hàng trăm cây số để về quê

Giống như chị Hương, chị Ngũ Bích Thời - sinh năm 1992, công nhân Công ty TNHH KHKT Điện tử Sheng Yuan Việt Nam (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) cũng đang lo lắng về nỗi khổ trên đường về quê dịp Tết.

Làm công nhân tại Bắc Giang từ 2019 đến nay, mỗi dịp về quê tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, nhất là dịp Tết Nguyên đán, chị Thời lại ám ảnh với cảnh chen chúc trên các chuyến xe khách.

“Tôi còn hay bị say xe, nên quãng đường từ nơi trọ về quê - khoảng 360km - thực sự là những trải nghiệm mà tôi không muốn có” - chị Thời cho hay.

Theo nữ công nhân, việc đặt trước vé xe không giúp được gì, bởi thường khách nào đến sớm mới có chỗ ngồi thoải mái hơn; còn đến muộn - dù đã gọi điện đặt vé - cũng không được ưu tiên. Tết năm 2023, do công ty cho nghỉ làm sớm (25 Tết) nên chị được về quê sớm mà không phải chịu cảnh chen chúc, chật chội như những năm trước.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Thời phải xa chồng con ở quê để đi làm công nhân kiếm sống. Chấp nhận xa nhà để mưu sinh, nhưng thu nhập của chị thời điểm này không cao.

“Trước đây, công ty có nhiều việc, làm thêm nhiều, nên thu nhập của tôi có thể lên tới 9-10 triệu đồng/tháng. Nhưng thời gian gần đây do ít làm thêm nên con số này giảm xuống khoảng 6 triệu đồng/tháng” - chị Thời kể.

Do thu nhập thấp, lại phải gửi tiền về nuôi con, chi phí thuê nhà, ăn ở… nên sau cả năm làm việc, nữ công nhân này gần như không dành dụm được khoản tiền nào đáng kể. Dù một năm có thu nhập không tốt, nhưng như nhiều người đi làm xa nhà khác, Tết vẫn là lúc chị muốn được quây quần bên chồng con, người thân.

Có năm, do xe khách quá đông đúc, chật chội, chị Thời và người chị họ quyết định đi xe máy về quê.

“Mất khoảng 9-10 tiếng đi xe máy để về đến nhà. Tôi và người chị họ sẽ thay nhau lái. Nếu đi vào buổi chiều tối, sáng hôm sau chúng tôi sẽ về nhà. Chúng tôi thường thích đi vào ban đêm hơn vì vắng người, dễ đi” - nữ công nhân kể.

Năm nay, chị Thời mong sẽ được nghỉ Tết từ 25, 26 Âm lịch để được đi về quê sớm, đỡ vất vả. “Nghỉ làm càng cận Tết, công nhân càng vất vả mới có chỗ trên xe khách về quê” - chị Thời cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều công nhân có quê tại các tỉnh miền núi phía Bắc làm công nhân tại Bắc Giang có xu hướng về quê bằng xe máy, dù biết tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị tai nạn giao thông. Lý do là họ sẽ có phương tiện đi lại chúc Tết khi ở quê; đồng thời không phải “lo ngay ngáy” bị mất trộm nếu để xe máy ở phòng trọ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn