MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Đỗ Văn T trong căn phòng trọ chật chội được thuê với giá 500.000 đồng/tháng. Ảnh: Phương - Hân

Công nhân lo lắng vì tình trạng ít việc, giảm thu nhập

Bảo Hân - Minh Hương  LDO | 16/03/2023 08:15

Nhiều gia đình công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) có cuộc sống khó khăn, nay càng khó khăn hơn khi công ty ít việc, giảm giờ làm. 

Trở về phòng trọ sau ca đêm, anh Đỗ Văn T (thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội) tranh thủ chợp mắt để lấy lại sức khoẻ. Tuy nhiên, do trái giờ sinh học, môi trường xung quanh lại ồn ào khiến anh không thể có giấc ngủ ngon, anh lại càng cảm thấy mệt mỏi. Căn phòng chỉ rộng vỏn vẹn 9-10m2, ẩm thấp, trong phòng không có đồ đạc gì đáng giá. 

Cố che đi đôi mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ, nam công nhân cho biết, vợ chồng anh đều làm công nhân trong Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. “Phòng trọ chỉ là nơi vợ chồng tôi ngủ, nghỉ ngơi sau những giờ trong nhà xưởng, nên tôi không sắm sửa đồ đạc gì” - anh T giải thích. 

Trước đây, công ty nơi anh làm việc thường xuyên tổ chức tăng ca, một tuần có 4-5 ngày được làm thêm, mỗi ngày 4 giờ. Làm thêm nhiều, dù mệt mỏi, nhưng đồng nghĩa thu nhập của anh cao hơn, từ 13-14 triệu đồng/tháng.

“Lương cơ bản của tôi hiện nay là gần 6 triệu đồng/tháng; các khoản phụ cấp là 1 triệu đồng. Như vậy, phần lớn thu nhập đến từ làm thêm” - nam công nhân nói. Chính vì vậy, anh T rất mong được làm thêm đều. Dù vất vả, ít có thời gian nghỉ ngơi, nhưng anh có thêm thu nhập để cuộc sống gia đình đỡ vất vả, thiếu thốn hơn. 

Gần 1 năm nay, công ty nơi anh T làm công nhân rơi vào cảnh ít việc. Anh ít được đi làm thêm so với trước. Thu nhập vì vậy giảm xuống còn 10-11 triệu đồng/tháng. “Tôi còn may vì tổ sản xuất nơi tôi làm còn có việc ổn định; nhiều tổ khác còn ít việc hơn, thu nhập còn giảm hơn” - anh T nói.

Vợ anh T làm công nhân, nhưng do chỉ làm giờ hành chính, nên thu nhập ít hơn, chỉ ở mức 6 triệu đồng/tháng. Như vậy, tổng thu nhập hiện nay của vợ chồng công nhân này là khoảng 16-17 triệu đồng/tháng. 

Hai con nhỏ của vợ chồng công nhân này (6 tuổi và 2 tuổi) đang được gửi về quê ở Phú Thọ để nhờ ông bà trông. Anh Thanh nhẩm tính, mỗi tháng, vợ chồng anh phải gửi về quê từ 4-5 triệu đồng để nuôi con. “Ông bà ở quê còn hỗ trợ nhiều, nếu không, tôi phải gửi hơn” - anh T nói. 

Ngoài ra, anh còn phải trả tiền nhà, điện nước (khoảng 800.000 đồng/tháng); tiền ăn uống, sinh hoạt của vợ chồng; tiền khi ốm đau… Tính ra, sau 5 năm làm công nhân, vợ chồng anh chỉ dành dụm được một khoản tiền không đáng kể.  

Anh T càng lo lắng thêm khi hết tháng 3.2023, vợ anh sẽ không làm công nhân nữa mà về quê chăm các con. Nguyên do là công ty nơi vợ làm ít việc, trong khi vợ anh sắp hết hợp đồng lao động, nên bị cắt giảm bớt lao động. “Các khoản chi tiêu trong nhà vẫn vậy, trong khi sắp tới chỉ có mình tôi đi làm, nên cuộc sống vợ chồng tôi sẽ khó khăn hơn. Tôi và vợ sẽ phải chi tiêu chắt bóp hơn để có tiền nuôi các con ăn học” - anh T nói. 

Theo thống kê của Tổng LĐLĐVN từ tháng 9.2022 đến tháng 1.2023, có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm. Trong số lao động bị ảnh hưởng có hơn 491.000 người giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương; 7.000 người tạm hoãn hợp đồng lao động; hơn 48.600 người mất việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn