MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nếu giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người lao động. Ảnh: Bảo Hân

Công nhân lo nếu giá điện tăng

LƯƠNG HẠNH LDO | 06/12/2022 12:00
Trong khi lương tối thiểu chỉ mới tăng 6% từ 1.7.2022 thì mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất tăng giá bán lẻ điện bình quân. Điều này khiến đời sống công nhân tại các khu công nghiệp vốn bếp bênh thì nay họ lại càng thêm lo lắng bởi gánh nặng các khoản chi dịp Tết đến, xuân về.

Lương tăng chưa được bao lâu…

Đang mang bầu ở tháng thứ 6, chị Hà Thị Linh (SN 1998, Tuyên Quang) - công nhân KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) phải xoay xở với nhiều khoản chi tiêu. Gần đến Tết Nguyên đán 2023, ngoài các khoản sắm sửa cho gia đình, dịp này, chị Linh còn phải chuẩn bị để chào đón đứa con đầu lòng.

Mức lương hiện tại của chị Linh khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. Số tiền này, chị phải chi trả tiền trọ 700.000 đồng/tháng, tiền điện 3.000 đồng/số, tiền nước 30.000/m3.

“Vào mùa hè dùng nhiều thiết bị điện hơn tôi phải chi trả khoảng 300.000 đồng tiền điện mỗi tháng. Giờ vào mùa đông thì đỡ tốn điện nhưng vẫn chiếm một khoản chi nhất định” - nữ công nhân tâm sự.

Tháng 8.2022, mức lương tối thiểu của chị được tăng thêm khoảng 200.000 đồng. Chị không khỏi vui mừng vì tiền lương khấm khá hơn. Chồng chị Linh là nhân viên tiếp thị ở quê, thu nhập bấp bênh. Đã nhiều lần, chị khuyên chồng xuống làm công nhân tại khu công nghiệp để vợ chồng được gần nhau, chị Linh cũng đỡ sợ khi phải sinh sống một mình...

Sau khi biết đề xuất tăng giá điện, chị Linh ngao ngán. 

“Cứ thế này thì công nhân bỏ về quê hết. Tôi dự định sau sinh sẽ khuyên chồng xuống làm công nhân. Nhưng ở Hà Nội cái gì cũng đắt đỏ, lương tăng chưa được bao lâu mà đủ thứ tăng thế này thì về quê ổn hơn” - chị Linh chia sẻ.

6 năm làm công nhân tại KCN, chị Linh đã chuyển việc 2 lần. Chị Linh nhớ lại thời gian bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng công ty chị vẫn nhiều đơn hàng, công nhân làm việc không xuể. Còn hiện tại, khi nhà máy thiếu đơn hàng, những công nhân ở phân xưởng của chị không được tăng ca, làm thêm vào cuối tuần.

Nhớ lại, cận Tết năm trước chị được cầm trong tay 8 triệu đồng thưởng tháng lương thứ 13. Chị Linh cho biết, số tiền này mang về để sắm sửa dịp Tết, biếu hai bên nội ngoại. Năm nay, tình hình việc làm của người lao động ảm đạm, nhiều khoản lo khiến nữ công nhân càng lo với việc tiếp tục ở lại làm việc tại nhà máy.  

Tiền điện chiếm một phần chi không nhỏ

Nhớ lại khoảnh khắc khi biết tin lương tối thiểu vùng tăng 6% từ 1.7.2022, chị Vũ Thị Bình (Quê Hà Giang) - công nhân KCN Thăng Long vẫn còn thấy vui mừng.

Hiện tại, mức lương cơ bản của chị Bình được khoảng 5,3 triệu đồng/tháng; phụ cấp đi lại 300.000 đồng/tháng; cộng tất cả các loại phụ cấp, chị nhận hơn 6 triệu đồng/tháng.

Sau khi biết đến đề xuất tăng giá bán lẻ điện bình quân, chị Bình không khỏi lo lắng. Dù sống độc thân nhưng tiền điện, nước vẫn chiếm khoảng 30% thu nhập của chị Bình.

Gia đình nghèo, 3 trong số 4 chị em của chị Bình đều không học hết cấp 3, riêng chị Bình chỉ học hết lớp 5. Chị ở nhà làm ruộng, chăm ông nội bị tai biến. Năm 18 tuổi, chị Bình ra ngoài, tự lo cho cuộc sống. Nhiều năm trôi qua, dù với mức thu nhập cao hay thấp, mỗi tháng chị Bình đều cố gắng gửi về cho bố mẹ khoảng 3 triệu đồng. 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có đề xuất tăng giá bán lẻ điện bình quân hiện nay, mới mức tăng trên 5% (hiện nay bậc 1 từ 0-50kwh: 1.678 đồng/số; bậc 2 từ 51-100kwh: 1.734 đồng/số; bậc 3 từ 101 - 200kwh: 2.014 đồng/số…). 

Đề xuất tăng giá điện sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống hàng triệu người lao động. Trong lúc công ty, doanh nghiệp giảm đơn hàng, công nhân không được tăng ca, làm thêm, thu nhập giảm sút; việc này càng khiến cuộc sống vốn bấp bênh của họ càng thêm vô vàn nỗi lo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn