MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân khởi nghiệp với mong muốn có cuộc sống tốt hơn. Ảnh: Phương Quỳnh

Công nhân loay hoay khởi nghiệp

Phương Quỳnh LDO | 20/10/2020 11:41
Từ bỏ công việc ở công ty với đồng lương eo hẹp, nhiều công nhân quyết tâm khởi nghiệp, chuyển hướng kinh doanh để mong có cuộc sống tốt hơn.

Vũ Hồng Hải (quê ở TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), từng là công nhân Công ty Farker Processing Việt Nam (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Khi còn là công nhân, anh Hải đi sáng về hôm, lương được 5-6 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca, thu nhập khá hơn một chút.

Là trụ cột chính trong gia đình, anh Hải mong muốn có thể làm được nhiều hơn thế nên quyết định rời công ty, chuyển hướng sáng kinh doanh hải sản, đồ đông lạnh.

Ý định kinh doanh đã hình thành trong anh Hải từ lâu, nhưng vì nhiều lý do, anh vẫn tiếp tục làm công nhân. Thời gian qua, trong quá trình chuyển nhà, chuyển nơi làm, anh vô tình biết được chủ trọ có mặt bằng cho thuê, “máu” kinh doanh trỗi dậy.

Anh Hải quyết định thuê mặt bằng có diện tích khoảng 15m2 với giá 2 triệu đồng/tháng nằm trên đường Sáp Mai (Đông Anh, Hà Nội).

Trước đó, hai vợ chồng anh Hải bàn bạc với nhau, một người vẫn tiếp tục làm công nhân, người còn lại sẽ ở nhà kinh doanh. Khởi nghiệp bằng việc bán hàng hải sản tươi sống, sau đó cấp đông và thêm một số đồ khô, anh Hải tự tin vì có nguồn hàng trực tiếp từ quê, đảm bảo về chất lượng và giá thành rẻ hơn so với thị trường.

This browser does not support the video element.

Anh Vũ Hồng Hải chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp của mình.

Sau 3 tháng bán hàng, khó khăn lớn nhất mà anh Hải gặp phải là làm thế nào để quảng cáo được các mặt hàng mình có đến mọi người. Bên cạnh đó, nguồn vốn cũng là một áp lực lớn đối với anh. Vì vậy, dù đã tính đến phương án mua tủ đông có mặt kính để bày sản phẩm, nhưng anh vẫn chưa thực hiện được. Hiện tại, anh Hải mới chỉ quảng bá mặt hàng trên các hội, nhóm mạng xã hội.

"Tôi không học về kinh doanh, chỉ làm công nhân nên kinh nghiệm buôn bán không có. Tôi xác định trong trường hợp kinh doanh mặt hàng này không được thì sẽ chuyển hướng sang mặt hàng khác. Dù khó khăn nhưng tôi kiên quyết theo đuổi đến cùng, không từ bỏ” – anh Hải nói.

Hiện nay, do chưa có nhiều khách hàng biết đến nên doanh thu mỗi ngày anh Hải thu về chỉ được vài trăm nghìn đồng. "Nếu cứ kéo dài, chắc sẽ không ổn", anh Hải nói.

Với nhiều công nhân khởi nghiệp như anh Hải, vốn và kinh nghiệm là một bài toán lớn. Ảnh: Phương Quỳnh

Nói về ý định sắp tới, anh Hải bảo, anh sẽ áp dụng nhiều phương thức như quảng cáo trên mạng xã hội, tham gia các nhóm chuyên bán hải sản để nhiều người biết đến hơn.

Cũng từng làm công nhân Công ty TNHH Tokyo Micro Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long), năm 2018, chị Lương bỏ việc để chuyển hướng sang mở cửa hàng bán quần áo. Vì khi đó, ở đâu cũng thấy livestream bán quần áo, chị Lương tin chắc mình cũng làm được.

Nhớ lại, chị Lương vẫn không quên ngày tháng hừng hực với quyết tâm kinh doanh. Chị Lương nhanh chóng tìm mặt bằng ở quận Cầu Giấy với giá thuê 8 triệu đồng/tháng để mở cửa hàng. Sau đó học thêm khoá học kinh doanh online chỉ 3 ngày.

Chị tự tạo Fanpage, chỉnh sửa lại mặt bằng vừa thuê thật ấn tượng để thuận tiện cho việc livestream bán hàng.

Được người quen tư vấn chạy quảng cáo Facebook để tăng lượng tương tác, chị Lương quyết định mỗi ngày chạy quảng cáo 300.000 đồng. Sau 5 ngày, lượng like, chia sẻ, bình luận trên Fanpage có tăng đáng kể, nhưng chị Lương cho hay, chỉ có vài đơn hàng/ngày. Trong khi đó, do thuê mặt bằng trong ngõ nên lượng khách mua trực tiếp cũng rất hạn chế. Đối mặt với nhiều khó khăn, tiền hàng tồn kho, phí thuê mặt bằng, chạy quảng cáo... sau 3 tháng, chị Lương đành thanh lý cửa hàng, sau đó về quê.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn