MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lương thấp khiến cuộc sống của NLĐ, nhất là công nhân các KCN phải thuê nhà trọ ngày càng khó khăn. Ảnh: Hoàng Khôi

Công nhân loay hoay với đồng lương ít ỏi

Hoàng Khôi LDO | 23/12/2023 09:00

Thống kê của Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, đến hết nhiệm kỳ 2018-2023, thu nhập bình quân của lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp trên địa bàn là khoảng 7,5 triệu đồng. Mức lương, thu nhập như hiện tại vẫn chưa bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ.

Lương không đủ sống

Vợ chồng chị Vũ Quy (30 tuổi, quê Nam Định) làm công nhân tại một doanh nghiệp điện tử thuộc Khu công nghiệp Nhật Bản - Hải Phòng.

Thời gian gần đây, công ty gặp khó khăn, không tăng ca, thu nhập hàng tháng của vợ chồng chị Quy chỉ gần 6 triệu đồng/người. “Tiền nhà, tiền học của 2 con đã chiếm gần 1 tháng lương của 1 người, số còn lại tôi phải loay hoay cân đối tiền điện, nước, tiền ăn cũng như chi phí khác, rất áp lực. Với mức lương như hiện tại, dù cố gắng tiết kiệm chi tiêu nhưng gia đình tôi cũng không có được khoản tích lũy phòng lúc ốm đau, hoạn nạn” - chị Quy tâm sự.

Cũng theo chị Quy, lương thấp nên nhiều bạn bè trong xóm trọ chị Quy phải chạy xe ôm ngày cuối tuần hay bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Ngược lại, nhiều người không cầm cự được nên nghỉ việc, về quê.
Trao đổi với Lao Động, bà Đinh Thị Thuý Hà - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng - cho biết, thực tế hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Hải Phòng đều trả lương cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng.

Phần tăng hơn này là nhờ sự thương lượng từ phía công đoàn, nhằm nâng cao thu nhập cho NLĐ. Mặc dù vậy, với mức lương như hiện tại vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.

Cũng theo bà Hà, trước đây, mức lương thấp nhưng NLĐ có thêm thu nhập từ việc tăng ca, làm thêm giờ. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng, không bố trí tăng ca, thậm chí còn phải cắt giảm ngày, giờ làm việc thì thu nhập của NLĐ chỉ dựa vào đồng lương hàng tháng. Trong khi đó, NLĐ, nhất là NLĐ tỉnh xa phải chật vật với rất nhiều chi phí hàng tháng, dẫn đến đời sống càng khó khăn hơn.

Còn theo ông Vũ Ngọc Thức - Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ TP Hải Phòng - cho biết: Hiện, thu nhập bình quân của NLĐ trực tiếp tại các doanh nghiệp là khoảng 7,3 triệu đồng/người/tháng.

Mặc dù tại Hải Phòng chưa có khảo sát về mức sống tối thiểu, nhưng qua nắm bắt từ phía cơ sở, mức lương hiện nay chưa thể đáp ứng mức sống của người lao động. Đó là lý do người lao động phải làm thêm, tăng ca.

Mong sớm tăng lương tối thiểu vùng

Đại diện Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, năm 2023, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Năm 2024, dự báo nhiều doanh nghiệp tạm hoãn tăng lương theo tỉ lệ đã thỏa thuận với công đoàn. Một số doanh nghiệp chờ Nhà nước có quyết định tăng lương tối thiểu vùng mới căn cứ vào đó để tăng lương cho NLĐ.

Do vậy, tổ chức Công đoàn và NLĐ đều mong muốn tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 trên tinh thần chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp nhưng vẫn phải bảo đảm mức sống tối thiểu cho NLĐ. Từ đó, hạn chế tình trạng biến động lao động, để NLĐ yên tâm làm việc, doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Còn công nhân lao động như chị Quy cũng kỳ vọng vào mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024.

“Công ty tôi hiện tại vẫn đang ít việc, dự kiến cho NLĐ nghỉ Tết đến 12 ngày. Nhiều khả năng trong năm tới, thu nhập của công nhân giảm nhiều. Trong khi đó, các chi phí khác trong cuộc sống vẫn cứ tăng. Bởi lẽ, với công nhân nhà trọ như chúng tôi, được tăng lương 200.000 - 300.000 đồng/tháng vẫn rất quý” - chị Quy cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn