MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các doanh nghiệp dệt may ở Bắc Giang đang thiếu hụt lao động. Ảnh: NVCC

Công nhân mắc COVID-19 tăng cao, doanh nghiệp thiếu hụt lao động

Đỗ Phương - Bảo Hân LDO | 26/02/2022 12:00
Nhiều công nhân mắc COVID-19 khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động. Công nhân chưa trở thành F0 đành phải tăng ca...

Năng suất lao động thấp

Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội - cho biết: Công đoàn các khu công nghiệp vẫn cập nhật lượng công nhân là F0, F1 theo tuần. Từ sau Tết, lượng công nhân là F0 tăng nhiều so với trước Tết. Từ kết quả thống kê, Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội mới có cơ sở hỗ trợ cho công nhân mắc COVID-19 theo quyết định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và hướng dẫn của LĐLĐ TP.Hà Nội.

Số lượng công nhân là F0 tăng khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động. “Theo công đoàn cơ sở phản ánh thì hiện nay, một số công ty có nhiều công nhân mắc COVID-19 phải tuyển lao động gấp hoặc sử dụng biện pháp thuê lại lao động từ các công ty cho thuê trong thời gian ngắn để đảm bảo hoạt động sản xuất” - ông Nguyễn Đình Thắng cho hay.

Trao đổi với Lao Động ngày 25.2, ông Nguyễn Mạnh Tiến - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Elentec Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội) chia sẻ, hiện nay, công nhân nhiễm COVID-19 khá nhiều khiến cho nguồn lao động bị thiếu hụt.

“Có 1.000 công nhân thì khoảng 300 công nhân mắc COVID-19 khiến cho năng suất lao động thấp, đơn hàng giảm vì không có nhân công. Doanh nghiệp đang cần khoảng 300 lao động. Thời gian này, những công nhân chưa mắc COVID-19 phải tăng hiệu suất làm việc, song đây cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn, không thể gồng gánh lâu dài” - ông Tiến nói.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, đối với những công nhân F0 điều trị trong khoảng 7-14 ngày sẽ quay lại làm việc, trong thời gian đó, công ty phải tuyển thêm lao động để giữ đơn hàng. Từ đó, doanh nghiệp không bị đứt gánh sản xuất thì mới có việc cho công nhân khỏi bệnh quay trở lại sản xuất. 

Bù đắp bằng tuyển dụng nhiều lao động mới

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Chủ tịch CĐCS một công ty may thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết, ngày 24.2, công ty bắt đầu xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ người lao động, chi phí do công ty chi trả. Qua xét nghiệm, ghi nhận phát sinh nhiều ca F0. “Công ty chưa tổng hợp được tổng cộng bao nhiêu ca nhiễm vì vẫn đang tiến hành xét nghiệm. Các ca nhiễm F0 thời gian này là điều không tránh được” - chủ tịch CĐCS này cho biết.

Từ Tết đến nay, tại công ty này đã xuất hiện 100 F0 là công nhân lao động. Theo chủ tịch CĐCS, hiện tại công ty chưa bị ảnh hưởng nhiều về thiếu hụt lao động, vì tuy có những người lao động là F0 phải nghỉ làm để điều trị, bị hụt lao động, nhưng công ty vẫn tuyển dụng đầu vào được nhiều lao động mới. “Bình thường, nếu không có người lao động bị F0, công ty vẫn tuyển dụng mới” - vị chủ tịch CĐCS này nói. 

Ông Ngô Đức Thắng - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang - cho biết, 2 ngày gần đây, tại các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, mỗi ngày có hơn 1.000 ca nhiễm là công nhân lao động. “Ngày 23.2 có khoảng 1.200 ca F0, ngày 24.2 có 1.300 ca là công nhân lao động trong các khu công nghiệp” - ông Thắng cho hay.

Cùng với đó, số lượng người lao động là F1 vẫn phải nghỉ làm. Ông Thắng nói thêm, một công ty có số lượng người lao động F0 nhiều nhất là 600 ca, được phát hiện qua xét nghiệm cộng đồng và xét nghiệm tại công ty. Tổng cộng tháng từ 10 - 11.2021 đến nay, trong các khu công nghiệp có hơn 6.700 ca F0 là công nhân lao động.

“Mấy ngày hôm nay, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều về tình hình lao động và hiện vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng lao động” - ông Thắng nói.

Được biết, hiện có khoảng 187.000 lao động làm trong 388 doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang.

Ngày 24.2, phiên giao dịch việc làm kết nối 7 tỉnh thành phía Bắc, gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Kạn và Lạng Sơn cần tuyển hơn 19.300 lao động. Mức lương dao động 5-20 triệu đồng, trình độ từ lao động phổ thông đến kỹ sư, kế toán.

Riêng sàn giao dịch việc làm Hà Nội có 34 doanh nghiệp cần tuyển hơn 1.000 lao động, tập trung ở nhóm ngành may mặc, bán hàng, thu ngân, nhân viên y tế, kinh doanh, kỹ sư, lao động phổ thông. Song không nhiều lao động trực tiếp đến tìm việc làm, chủ yếu qua phỏng vấn online.

Ở phân khúc lao động phổ thông, các doanh nghiệp liên tục tuyển mới bổ sung do công nhân không trở lại thành phố sau Tết, F0 chữa bệnh hoặc mở rộng sản xuất. Quay lại sản xuất gần một tháng sau Tết, các doanh nghiệp của tỉnh Bắc Giang - nơi có 8 khu công nghiệp, đang cần tuyển hơn 35.000 lao động trong quý này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn