MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nhân mang theo bánh chưng, rau xanh để quay lại sản xuất

Phương Thư LDO | 11/02/2022 06:46
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khá dài, khi quay trở lại với công việc, công nhân đều muốn được tăng ca, tăng thu nhập.

Mong được tăng ca nhiều hơn để có tiền tích cóp

Ngày mùng 8 Tết (8.2), chị Phạm Anh Dung (sinh năm 2002, quê ở Phú Thọ) quay trở lại phòng trọ ở thôn Hậu Dưỡng (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) để bắt đầu công việc sau Tết.

Những món đồ Tết chị mang theo gồm có bánh chưng, rau xanh, trứng, gạo... để bắt đầu cho những ngày xa nhà.

Chị Dung hiện làm ở Công ty TNHH Denso Việt Nam (Đông Anh, Hà Nội). Theo lịch công ty, từ ngày mùng 7 Tết, công nhân sẽ rục rịch đi làm trở lại. Nhưng dây chuyền của chị không có việc nên đến ngày 11.2, nữ công nhân mới được quay trở lại sản xuất.

Chị Phạm Anh Dung - công nhân Công ty TNHH Denso Việt Nam - mang theo bao đựng thức ăn mẹ chuẩn bị cho những tháng ngày đi làm xa nhà.

Cô gái trẻ có dáng người nhỏ bé, đầu cắt kiểu "tomboy". Chỉ mấy tháng đi làm, chị sút hẳn 3kg, từ 40kg xuống còn 37kg. Tủm tỉm cười, chị nói, lần này về quê ăn Tết bị mẹ "quở".

Một thân một mình tự lập nơi xa lạ, chị gặp không ít khó khăn và áp lực. Học xong cấp 3, chị Dung quyết định xin đi làm sớm để phụ giúp bố mẹ.

Xuống Hà Nội xin việc từ tháng 5.2021, một tháng sau, chị mới trúng tuyển đi làm. Nhưng vừa ký hợp đồng với công ty được 1 tháng, cô gái trẻ bị ngưng việc do nơi ở cách ly theo yêu cầu phòng chống dịch.

Quãng thời gian không có công việc, chị duy trì sinh hoạt bằng cách nhờ đến sự hỗ trợ thực phẩm của địa phương, vay mượn thêm bạn bè.

 Việc làm đầu tiên khi chị Dung bước vào phòng trọ là dán lại mảng giấy trên tường bị bong do trời mưa ẩm.

Sau gần 2 tháng không có công việc, chị cũng được đi làm trở lại. Mặc dù vậy, khó khăn vẫn hiện hữu vì nhóm công nhân như chị hầu như bị cắt hết sản lượng, chỉ ăn lương cơ bản và trợ cấp, khoảng 5-6 triệu đồng/tháng.

Vẻ mặt buồn rầu, nữ công nhân nói, đã từ rất lâu rồi, chị chưa được tăng ca. Có chăng đợt cuối năm, đồng nghiệp cùng công ty F0 thì chị Dung mới được đi làm bù.

Nói về năm 2021, cô thở dài vì “không để ra được gì”. Năm qua, chị Dung đặt mục tiêu sẽ mua cho mình chiếc xe máy mới song vẫn chưa thực hiện được. Thế nên, dự định mua xe từ năm 2021 lại phải chuyển sang năm 2022. Ngoài ra, bắt đầu một năm mới, chị Dung mong mình được tăng ca nhiều hơn, có tiền tích cóp để khi dịch bệnh, ốm đau còn có khoản lo liệu.

Cố gắng cải thiện thu nhập để có vốn làm việc khác

Anh Hoàng Duy Thanh (sinh năm 1997, quê Thanh Hoá), làm công nhân Công ty TNHH Hal Việt Nam (Đông Anh) 6 năm nay.

Trở lại với công việc, anh Duy Thanh mong năm nay cải thiện thu nhập hơn năm cũ.  

Theo anh Thanh, năm qua, vợ chồng anh không quá khó khăn như nhiều công nhân khác song tiền làm ra cũng không để dư được nhiều. Lần về Tết này, vợ chồng anh đã bắt đầu lên nhà trọ từ mùng 5 để chuẩn bị đi làm từ mùng 7 Tết.

Bắt đầu trở lại công việc, anh Thanh cho biết, sẽ cố gắng làm việc để thu nhập cải thiện hơn năm cũ: "Tôi đi kiếm tiền mà nên chỉ mong tăng thu nhập rồi có vốn để làm thứ khác. Không thể làm công nhân mãi".

Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội thống kê, đến 10h ngày 7.2 từ các cấp Công đoàn, có 90,24% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 96,13% công nhân, lao động trở lại làm việc. Còn lại một vài doanh nghiệp do chưa có đơn hàng gấp gáp đầu năm nên mùng 9.2 họ bắt đầu quay trở lại làm việc.

“Qua báo cáo nhanh bằng điện thoại thì về cơ bản các doanh nghiệp trên địa bàn đã quay trở lại sản xuất. Vì vậy, tình trạng thiếu hụt lao động hầu như không đáng lo ngại” - lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội khẳng định.

Về tỉ lệ lao động quay trở lại làm việc tại Hà Nội, vị này cho hay, con số này tương đương các năm trước đây. Năm 2021 chịu ảnh hưởng dịch bệnh, cho nên ngay sau Tết Nguyên đán 2022, người lao động mong ngóng được đi làm trở lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn