MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng trái cây là nơi mưu sinh của chị Nga sau khi mất việc. Ảnh: Phương Ngân

Công nhân mất việc bươn chải đủ nghề để kiếm sống

Phương Ngân LDO | 17/03/2023 09:00

Tiết kiệm từ mỗi bữa cơm, dè sẻn từng đồng chi tiêu,... những nữ công nhân chúng tôi có dịp gặp, trò chuyện vừa mất việc, họ đành phải bươn chải đủ nghề để kiếm sống, chật vật mưu sinh, chăm lo cho gia đình...

Trước Tết Nguyên đán 2023, chị Hoàng Thị Nga (quê Hà Tĩnh) bị mất việc do công ty không có đơn hàng. Xin việc nhiều nơi không được, chị Nga buộc phải thuê mặt bằng, buôn bán trái cây để có thu nhập trang trải qua ngày.

Trước đây, chị Nga làm công nhân tại một công ty dệt trên địa bàn quận 7, TPHCM, tình hình sản xuất khó khăn, công ty phải cắt giảm lao động và chị cũng thất nghiệp từ cuối năm 2022.

Chị cùng chồng làm công nhân tại TPHCM, nuôi 3 con ở quê đang tuổi ăn học. Chị Nga mất việc, công việc của chồng cũng gặp khó khăn, trong khi đó, mọi chi phí tại TPHCM đều đắt đỏ, đồng lương kiếm được không đủ chi tiêu.

Trong lúc khó khăn, chị Nga cũng đi xin việc nhiều nơi nhưng không được, phần do ít công ty tuyển dụng, phần công việc không phù hợp nên chị quyết định ở nhà buôn bán. Hằng ngày, cứ 4 - 5 giờ sáng, chị Nga sẽ đi bán trái cây, bắp nướng. Mỗi ngày chị Nga kiếm được khoảng 200 nghìn đồng, hôm nào ế khách chị kiếm được ít hơn. Thu nhập kiếm được từ việc buôn bán của chị trung bình hơn 5 triệu đồng/tháng.

Cũng như chị Nga, chị Nguyễn Thị Ngọc Hiền (35 tuổi, quê Tiền Giang), cũng bị mất việc do công ty gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Công ty nơi chị Hiền làm việc phải ngưng hoạt động trong đợt dịch bùng phát dữ dội, khi dịch được kiểm soát, chị Hiền gửi đứa con nhỏ để đi xin việc làm. Thế nhưng, hậu COVID-19, nhiều doanh nghiệp đều khó khăn nên chị đi nhiều nơi đều không xin được việc. Khi ấy, chị buộc phải xin làm công việc tạm bợ, nhưng số tiền kiếm được ít ỏi không đủ để chi trả khoản tiền gửi đứa con út vừa mới lên hai.

“Xin vào công ty khác làm không được, lúc đó tôi phải xin làm ngoài, nhưng công việc ở ngoài làm 1 ngày nghỉ 5 - 7 ngày, thu nhập bấp bênh. Trong khi đó tôi gửi con trả tiền theo tháng chứ không thể trả theo ngày, số tiền công làm được không đủ để trả tiền gửi con nên tôi quyết định mang con về nhà và tạm nghỉ làm một thời gian để trông con”, chị Hiền chia sẻ.

Thời gian chị Hiền thất nghiệp, mọi chi phí trong nhà đều trông chờ vào đồng lương của chồng, có những lúc thiếu thốn tưởng chừng không thể xoay xở được, chị Hiền đã nghĩ đến việc về quê sinh sống, nhưng ngặt nỗi hai đứa con vẫn còn đang đi học.

“Tiền lương của chồng không đủ xoay xở, rất khó khăn, lúc đó tôi có ý định về quê nhưng hai đứa con còn đang đi học trên này không thể về được. Hơn nữa về quê thật sự không biết làm gì vì ở quê chỉ có làm nương rẫy thu nhập không bao nhiêu”, chị Hiền bộc bạch.

Trước Tết, chị Hiền xin được công việc mới tại một công ty may trên địa bàn TP.Thủ Đức. Tuy tìm được công việc, nhưng mức lương công nhân mới chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng, hai vợ chồng chị Hiền phải chắt bóp chi tiêu để đủ trang trải các chi phí sinh hoạt.

“Thu nhập của công nhân mới chỉ hơn 5 triệu đồng, trong khi chi phí hai đứa con đi học, tiền ăn uống, nhà trọ… đã hơn 10 triệu đồng/tháng, tôi phải chật vật lắm mới đủ chi tiêu”, chị Hiền tâm sự.

Chị Hiền chia sẻ, giai đoạn bị thất nghiệp, cuộc sống nơi đất khách của gia đình chị gặp nhiều khó khăn. Thắt chặt chi tiêu từ bữa cơm của gia đình là điều mà chị làm để vượt qua giai đoạn khó khăn ấy.

“Tôi phải tiết kiệm tối đa, tiết kiệm từ bữa cơm của gia đình. Nếu như trước đây đi chợ tôi mua những món mình thích, thì lúc khó khăn tôi không dám ăn theo sở thích mà phải bớt cá, thịt lại thay vào đó là ăn rau nhiều hơn”, chị Hiền nói.

Như chị Hiền, chị Dương Thị Mỹ Loan (50 tuổi, quê An Giang), cũng phải chắt bóp chi tiêu vì chị là một trong số hàng nghìn người lao động bị ảnh hưởng do công ty giảm giờ làm, thu nhập giảm sút.

“Cuối năm ngoái không được tăng ca, công nhân phải nghỉ luân phiên để mọi người đều có hàng làm, có thu nhập, những tháng đầu năm, công việc vẫn còn khó khăn. Do đó, tôi phải tiết kiệm hết mức có thể. Buổi sáng tôi sẽ dậy sớm nấu cơm ăn rồi mới đi đến công ty làm việc, chiều về tôi hấp lại cơm lúc sáng để ăn bữa cơm chiều” - chị Loan chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn