MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đơn hàng không khả quan khiến nhiều lao động bị mất việc, giãn việc. Ảnh: Phương Ngân

Công nhân mất việc đạp xe cả ngày không xin được việc mới

Phương Ngân LDO | 25/08/2023 06:27

Sau khi mất việc, nhiều công nhân lao động nghèo phải đạp xe rong ruổi khắp nơi để tìm công việc mới. Có những hôm đạp xe suốt ngày họ vẫn không xin được việc.

Đối với nhiều người lao động nghèo, tài sản quý giá nhất là chiếc xe đạp. Đó là tài sản và cũng là phương tiện duy nhất để họ đi làm mưu sinh. Sau khi mất việc cũng chính trên chiếc xe đạp ấy, họ rong ruổi đi khắp nơi để tìm công việc mới.

Từ khi mất việc vào tháng 6.2023, ngày nào chị Đỗ Thị Tuyến (47 tuổi, quê Phú Thọ), cũng lóc cóc trên chiếc xe đạp để đi xin việc làm, nhưng đi đến đâu cũng bị từ chối.

Chị Tuyến từng có 23 năm làm việc ở Công ty PouYuen tại TPHCM và cũng như nhiều lao động có thâm niên khác, chị bị cắt giảm khi đơn hàng lao dốc.

“Tôi vào công ty làm công nhân từ khi tuổi đời còn trẻ, nhưng khi lớn tuổi lại bị cắt giảm. Giờ đi công ty nào cũng chỉ tuyển từ 18 - 35 tuổi, tôi đã ngoài 40, tuổi đời và sức khỏe đều không còn đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng” - chị Tuyến chia sẻ.

Kể về hoàn cảnh của mình, chị Tuyến cho biết, thu nhập trước đây từ việc làm công nhân của chị là nguồn thu nhập chính trong gia đình.

Số tiền khoảng 11 triệu đồng/tháng chị dùng để trang trải cuộc sống hàng ngày và lo cho con đi học.

Chị Tuyến bị mất việc khi đứa con lớn vào lớp 11 với chi phí học tại trường tư đắt đỏ. Mất việc, chị chạy khắp nơi tìm công việc mới, từ việc làm công nhân đến bưng bê, rửa chén, nơi nào tuyển chị cũng đến hỏi nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối.

“Có những ngày mấy chị em đạp xe lóc cóc cả ngày đi xin việc nhưng không xin được, có lần đi xin việc còn bị lừa mất tiền. Đi xin bưng bê, rửa chén cũng không được, giờ không biết làm gì để có tiền để cho con đi học” - chị Tuyến thở dài nói.

Mất việc trước chị Tuyến, chị Đỗ Thị Thu Hường (45 tuổi, quê Phú Thọ) đã có thời gian dài đi xin việc, dù xin được việc làm ở một công ty tư nhân, nhưng công ty ít hàng, tuần chị chỉ làm được 4 ngày, mỗi ngày tiền công nhận được khoảng 200 nghìn đồng.

Thu nhập hiện tại của chị Hường cũng chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, trong khi trước kia mỗi tháng thu nhập khoảng 13 triệu đồng.

Cũng như chị Tuyến, đồng lương công nhân của chị Hường là nguồn thu nhập chính để lo cho các chi phí từ tiền trọ, ăn uống và tiền học của con, bởi lẽ công việc của chồng chị bấp bênh, thu nhập cũng thấp.

Chị Hường cho biết, công ty mới ít việc thu nhập không đủ trang trải, nên chị cùng một số công nhân khác cùng dãy trọ đi xin công việc khác, dù đi nhiều nơi nhưng vẫn chưa xin được việc.

Chỉ tay về phòng trọ của một công nhân làm việc tại tỉnh Long An vừa bị mất việc, chị Hường kể: “Hai chị em mới rủ nhau ra công ty may ở đầu đường (gần khu trọ) để xin việc, nhưng nó (người ở cùng dãy trọ) may mắn được nhận, còn mình bị từ chối”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn