MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân mất việc làm ở khu nhà trọ trên đường ĐT 745 thuộc phường Hội Nghĩa thị xã Tân Uyên, Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Công nhân mất việc tằn tiện chi tiêu, cố gắng cầm cự ở Bình Dương

ĐÌNH TRỌNG LDO | 25/08/2022 11:38

Bình Dương - Những tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp gỗ ở thị xã Tân Uyên, Bình Dương gặp khó khăn buộc phải cắt giảm lao động. Nhiều công nhân mất việc trong thời gian dài phải về quê. Những người lao động còn ở lại tằn tiện chi tiêu cố gắng cầm cự.

Tuy đang là ngày trong tuần nhưng khi đi đến nhà trọ ở thị xã Tân Uyên, thấy công nhân ở phòng trọ hầu hết là những lao động chuyển ca và lao động mất việc làm đang cố bám trụ lại.

Tại một cư xá ở phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên có 1.300 phòng trọ thì có đến 500 phòng bỏ trống. Những phòng trống là do công nhân bị mất việc làm đã về quê.

Nhiều phòng trọ không có công nhân ở, trống không. Ảnh: Đình Trọng

Anh Trần Lượng (sinh năm 1983, quê Sóc Trăng) cũng bị mất việc làm một tháng nay nhưng đang cố bám trụ lại. Anh Lượng cho biết, anh ký hợp đồng với công ty gỗ thời gian làm việc 2 năm. Tuy nhiên những tháng gần đây, công việc ít hơn, không còn được tăng ca, rồi cũng bị cho nghỉ việc.

“Cắt tăng ca, sau đó giảm giờ làm trong ngày, lương chỉ còn chưa tới 5 triệu đồng/tháng. Cách đây hơn 1 tháng thì công ty báo không có đơn hàng và cho nghỉ nên mình phải ở nhà đến nay. Nhiều người không trụ được đã về quê. Mình may có vợ còn đi làm, nhưng lương cũng chỉ được gần 5 triệu đồng/tháng. Cả gia đình 3 người sống bằng phần lương của vợ. Mỗi ngày chỉ dám đi chợ 20.000-30.000 đồng tiền thịt cá rẻ rẻ, thật tiết kiệm, không dám hoang phí''- anh Trần Lượng chia sẻ.

This browser does not support the video element.

Công nhân Trần Lượng chia sẻ về đời sống, cách tiết kiệm chi tiêu

Tương tự, ở phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên, những lao động thất nghiệp ở lại phòng trọ hầu hết là đã có gia đình. Người thất nghiệp, nương tựa sống chắt chiu cùng người còn đi làm được bằng phần lương cơ bản.

Anh Huỳnh Văn Phong (43 tuổi, quê An Giang) cho biết, làm việc trong công ty gỗ, bị thất nghiệp gần 3 tháng nay vẫn chưa tìm được việc làm mới. “Tôi làm ở Bình Dương gần 20 năm nay, lần đầu bị mất việc kéo dài như vậy. Vợ tôi thì vẫn còn việc làm nhưng cũng làm cầm cự, lương cơ bản mỗi tháng gần 5 triệu đồng. Hai vợ chồng chi tiêu thật tiết kiệm thì mới đủ đóng tiền trọ và lo tiền ăn''- anh Phong chia sẻ.

This browser does not support the video element.

Anh Huỳnh Văn Phong chia sẻ về cuộc sống sau khi thất nghiệp 3 tháng nay.

Anh Huỳnh Văn Út (35 tuổi, công nhân ngành gỗ) cũng trong hoàn cảnh tương tự. “Tôi làm công ty sản xuất đồ gỗ, công ty hết hàng đóng cửa rồi tôi thất nghiệp. Đã 2 tháng nay tôi đi nhiều nơi để tìm việc làm nhưng không có công ty nào tuyển dụng. Không có việc làm nên tạm thời ở nhà giữ con cho vợ đi làm, cầm cự qua giai đoạn khó khăn. Hy vọng qua tháng 9,10.2022 các công ty sẽ nhận được đơn hàng hoạt động trở lại để chúng tôi có việc làm, chứ kéo dài như thế này mãi thì trụ không nổi“- anh Út chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn