MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
người lao động trông chờ cải cách tiền lương sẽ giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Ảnh: Quế Chi

Công nhân mong cải cách tiền lương để tăng thu nhập

Quế Chi - Quỳnh Chi LDO | 05/10/2023 08:38

Bên cạnh đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 còn đề cập đến cải cách chính sách tiền lương đối với người lao động trong doanh nghiệp. Nhiều người lao động hy vọng việc cải cách tiền lương sẽ giúp họ tăng đáng kể thu nhập mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào làm thêm.

Mong có mức lương cao, không phụ thuộc nhiều vào làm thêm

Sau 6 năm làm việc, lương cơ bản của anh Đỗ Văn Thanh (sinh năm 1989, công nhân một công ty điện tử tại Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) vẫn dừng ở mức 6,3 triệu đồng/tháng.

“Trước đây khi công ty còn tổ chức làm thêm nhiều, tổng thu nhập của tôi được khoảng 10-12 triệu đồng/tháng. Hiện nay, công ty ít việc; một tháng tôi chỉ đi làm thêm 20 tiếng, nên tổng thu nhập giảm xuống, chỉ còn khoảng 8-9 triệu đồng/tháng” - anh Thanh cho hay.

Cơ cấu thu nhập của nam công nhân này cho thấy, khoản tiền làm thêm vẫn chiếm tỉ lệ lớn. Nếu không hoặc ít làm thêm, thu nhập của công nhân sẽ rất thấp.

Thu nhập giảm, trong khi vợ anh Thanh hiện đang không có việc làm khiến cuộc sống của gia đình ngày càng khó khăn. Trước đây vợ anh Thanh cũng làm công nhân, nhưng mới đây đã chuyển về quê để tiện trông 2 con còn nhỏ. Một mình anh Thanh thuê một căn phòng với giá 500.000 đồng/tháng tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Mức thu nhập 8-9 triệu đồng/tháng của anh dùng để trang trải cho cuộc sống của cả gia đình 4 người.

“Tôi phải chi tiêu rất dè sẻn mới đủ, nếu không sẽ phải vay mượn thêm” - nam công nhân than thở. Theo anh Thanh, rất khó để cá nhân như anh có thể thương lượng, đề xuất với chủ sử dụng lao động tăng lương.

Anh Thanh mong có mức lương cao hơn để không phải làm thêm quá nhiều. “Làm thêm nhiều rất có hại cho sức khỏe, không có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Nhiều công nhân vì mải làm thêm mà không có thời gian cho gia đình, chăm sóc con. Không chỉ vậy, khi doanh nghiệp ít đơn hàng, ít làm thêm, thu nhập của công nhân sẽ giảm sâu” - nam công nhân nói. Nam công nhân 34 tuổi này rất hy vọng khi cải cách sẽ cải thiện đáng kể tiền lương, thu nhập của CNLĐ như anh.

Tăng cường thương lượng tiền lương trong doanh nghiệp

Đối với người lao động trong doanh nghiệp, tại Khoản 3.2 tiểu mục 3 Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 nêu về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập: Các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) được tự quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước công bố và trên cơ sở thoả ước lao động tập thể phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp và công khai tại nơi làm việc.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động chiều 4.10, ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) - cho biết, chủ trương trên về cải cách tiền lương đối với người lao động doanh nghiệp đã được thể chế hóa trong Bộ luật Lao động 2019.

“Nghị quyết nhấn mạnh, nhắc lại theo xu hướng tuân thủ đúng và đầy đủ hơn các quy luật của kinh tế thị trường trong thị trường lao động” - ông Tiến nói.

Ông Tiến cho rằng, cải cách tiền lương đặt ra vấn đề tăng cường vai trò cá nhân người lao động và công đoàn trong đàm phán về tiền lương.

“Công đoàn các cấp phải đàm phán về tiền lương thật tốt. Trước hết, công đoàn phải đàm phán xây dựng lương tối thiểu vùng cho tốt. Trên cơ sở lương tối thiểu vùng, các thỏa ước lao động tập thể ngành, cấp cơ sở phải được đàm phán, thương lượng để xác định mức lương cơ bản của ngành, doanh nghiệp. Tiếp đó, bản thân người lao động phải biết giá trị lao động của mình để đàm phán, từ đó có được mức lương xứng đáng” - ông Tiến bình luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn