MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nơi gửi con là một trong những mối quan tâm của công nhân thuê trọ. Ảnh: Quế Chi

Công nhân mong có nơi gửi con an toàn

Quế Chi LDO | 08/04/2024 10:13

Bên cạnh những vợ chồng công nhân gửi con ở quê nhờ ông bà chăm sóc, nhiều trường hợp phải đưa cả con lên sống cùng trong những căn phòng trọ. Không có người thân hỗ trợ, trong khi bận làm ca kíp, họ mong có nơi trông gửi con an toàn để yên tâm làm việc.

Chọn trường tư thục, chấp nhận tốn kém hơn

Xã Kim Chung (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) là nơi có rất đông công nhân đến thuê trọ để làm việc trong Khu công nghiệp Thăng Long. Nhiều người trong số họ là vợ chồng trẻ, nuôi con nhỏ, số con công nhân cùng với con của cư dân trong xã đang trong tuổi mầm non khá đông.

Thống kê thời điểm tháng 9.2023, xã Kim Chung có 2 trường mầm non công lập, 1 trường ngoài công lập và 15 nhóm trẻ độc lập. Hai trường công lập có khả năng đáp ứng nhu cầu gửi 1.600 trẻ; 1 trường tư là 100 trẻ; mỗi nhóm trẻ tư thục trung bình là 50-70 trẻ. Tổng số trẻ đang độ tuổi mầm non là 2.500 trẻ, trong khi các cơ sở mầm non mới đáp ứng được 2.000 trẻ.

Để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ, địa bàn xã Kim Chung có một trường mầm non công lập đang hoàn thành; 1 trường đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Khi 2 cơ sở với tổng số 32 lớp học này đi vào hoạt động sẽ có khả năng đáp ứng tổng cộng 1.400-1.500 trẻ.

Chị Hà Thị Hoa (tên nhân vật đã thay đổi) có 2 con, một cháu đang họp mầm non tư thục. “Tôi có thể gửi cháu vào trường công lập để đỡ tốn kém, nhưng con lớn tôi đã gửi ở trường tư, quen trường, quen cô nên cháu thứ 2 tôi tiếp tục gửi vào trường tư này” - chị Hoa cho hay.

Mỗi tháng gửi con vào trường tư thục, vợ chồng chị Hoa phải trả số tiền từ 2,1-2,2 triệu đồng. Con số này gồm tiền học phí, tiền ăn, tiền trang thiết bị hằng tháng. Số tiền này chiếm hơn 1/3 tổng thu nhập của nữ công nhân. “Hiện tôi chỉ làm giờ hành chính, không làm thêm nên thu nhập chỉ 6 triệu đồng/tháng. Chồng tôi có thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng” - chị Hoa cho hay.

Một mình chăm con khi làm việc xa quê

Tại thôn Ô Cách, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, nhiều công nhân cũng mang theo con khi đi làm xa quê.

Chị Lê Thị An (quê Nghệ An) một mình mang con từ Nghệ An lên Bắc Ninh làm việc; còn chồng vẫn ở quê. “Tôi muốn gửi con ở quê, dù biết là xa con thì rất nhớ, để lên đây làm việc một mình, kiếm tiền nuôi con. Nhưng ông bà ở nhà đều đã lớn tuổi, sức yếu, lại phải trông hai cháu nữa, không kham nổi, nên tôi đành phải mang lên cùng” - chị An cho hay.

Không thể kể hết nỗi vất vả của nữ công nhân này khi phải một mình xoay sở vừa đi làm, vừa chăm sóc con. Do làm ca, lúc làm ban ngày, khi làm ban đêm, không thể đưa đón con đúng giờ nếu gửi con ở trường mầm non tư thục, nên chị phải thuê một người lớn tuổi ở gần khu trọ trông.

Mỗi khi đi làm, chị An bế con sang nhà để người này cùng trông với một số cháu bé khác. Nhiều khi chị phải gửi con qua đêm nếu bận làm ca. Nếu gửi con cả ngày cả đêm, chị trả 140.000 đồng/ngày; nếu chỉ gửi ban ngày, chị trả 120.000 đồng/ngày. Tháng 3.2024, phải gửi con nhiều ngày qua đêm, chị tiêu tốn 3,2 triệu đồng. Cộng với tiền bỉm sữa, riêng số tiền chi cho con lên tới hơn 6 triệu đồng/tháng - gần bằng tổng thu nhập của chị thời điểm hiện tại (khoảng 8 triệu đồng/tháng).

“Người trông con không phải người thân trong gia đình nên tôi vẫn lo lắng. Tôi lo nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích đối với con. Người trông con sẽ có đôi lúc không để ý, có thể xảy ra những sự việc đáng tiếc” - nữ công nhân chia sẻ.

Cuối tháng 3 vừa rồi, chị An nghỉ hẳn làm công nhân, rời Bắc Ninh để trở về quê. “Về quê dù sao ông bà vẫn có thể hỗ trợ trông cháu những lúc bận đi làm” - chị An nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn