MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bên cạnh mong muốn được tăng lương, công nhân trông chờ có nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ảnh minh hoạ: M.Hương.

Công nhân mong có thêm nhiều dự án nhà ở xã hội

Minh Hương LDO | 23/05/2022 19:34

Trước thềm Chương trình Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động được dự kiến tổ chức nhân dịp Tháng Công nhân năm 2022, nhiều công nhân lao động bày tỏ mong muốn được nhà nước, chính phủ quan tâm hơn đến các chính sách về nhà ở.

“Tăng lương là điều ai cũng mong mỏi. Nhưng bên cạnh đó, để yên tâm làm việc, chúng tôi còn trông chờ có nhiều dự án nhà ở xã hội để công nhân được thuê, mua với giá tốt” – chị Bạch Thị Ngọc (32 tuổi, công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ.

Làm công nhân 10 năm, đến nay, gia đình chị gồm 4 người vẫn đang thuê trọ gần khu công nghiệp. Căn phòng rộng hơn 15m2, có gác xép, chị Ngọc cho biết – mỗi tháng tốn khoảng 1,5 triệu đồng tiền thuê trọ (bao gồm điện, nước).

Xa quê đi làm ăn, nữ công nhân nói “mua được nhà ở đây thì tốt”. Chị Ngọc và chồng những năm qua cũng đã tìm hiểu về các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhưng “có mấy ai là công nhân tỉnh lẻ mà mua được nhà” – chị Ngọc cho hay. Lý giải cho việc này, chị Ngọc cho rằng, không có nhiều dự án nhà ở xã hội, nếu có làm hồ sơ mua nhà cũng khó tới lượt.

Cả 2 vợ chồng cùng làm công nhân, tổng thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng. Để có khoản tiền dự phòng lo chuyện học hành của các con, chị Ngọc nhận may thêm quần áo. Công việc không thường xuyên nhưng mỗi tháng cũng giúp chị kiếm thêm tiền mua sữa cho con.

Chia sẻ về lý do muốn mua nhà ở thành phố, người mẹ 2 con này tâm sự: “Ở đây chi phí đắt đỏ hơn song điều kiện học tập, y tế vẫn tốt hơn rất nhiều. Làm công nhân lâu năm, nếu biết cách chi tiêu hợp lý, chúng tôi vẫn có thể mua được nhà ở giá tốt”.

 Khu nhà trọ công nhân ở gần Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: M.Hương.

Mua được nhà ở cũng là nguyện vọng của anh Phạm Văn Hiếu (công nhân công ty chuyên về thiết bị vệ sinh ở Khu công nghiệp Thăng Long). Anh Hiếu cũng đã nhiều lần tìm hiểu về các dự án nhà ở giá rẻ nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được.

“Dù muốn mua đất cất nhà ở đây nhưng tôi không thể tự lực được. Tôi mong sắp tới Chính phủ phát triển thêm nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hoặc nhà lưu trú cho công nhân để giấc mơ an cư lạc nghiệp với chúng tôi không còn xa vời” – anh Hiếu nói.

Có thâm niên gắn bó với công ty 13 năm, hiện anh Hiếu và vợ thuê trọ gần nơi làm; 2 con ở quê nhờ ông bà chăm sóc. Nam công nhân bày tỏ, nếu không thể mua nhà, anh sẽ để vợ về quê cùng các con; anh ở lại làm công nhân thêm vài năm, sau đó rút bảo hiểm xã hội 1 lần rồi trở về quê.

Ông Nguyễn Đức Nhân - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Asti Hà Nội (Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội) cho biết – công ty có khoảng 1.200 công nhân lao động, trong đó hơn 1 nửa phải thuê trọ. Sau gói hỗ trợ thuê nhà theo Quyết định 08, ông Nhân hi vọng, chính phủ sẽ có thêm gói hỗ trợ về nhà ở cho công nhân.

Theo báo cáo của Viện Công nhân và Công đoàn mới đây về vấn đề nghèo hoá ở công nhân lao động, đến nay, cả nước có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân, lao động với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha. Tuy nhiên, thực tế mới chỉ có 116 dự án với khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.

Những vấn đề bất cập, nảy sinh về xây dựng nhà ở cho công nhân, lao động hiện nay chủ yếu là sự chưa phù hợp giữa mô hình ký túc xá cho thuê và bán dành cho công nhân trong khu công nghiệp; chính sách chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư xây dựng, sự chưa đồng nhất giữa các văn bản chính sách (giữa Luật Nhà ở năm 2014, Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư 2020 và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22.5.2018 của Chính phủ về quy định quản lí khu công nghiệp và khu kinh tế); nhà nước chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn