MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Tú ở lại Hà Nội làm việc để mong cho con điều kiện học tập tốt nhất. Ảnh: Lương Hạnh

Công nhân mong con được học tập trong điều kiện tốt nhất

LƯƠNG HẠNH LDO | 06/09/2022 06:00
Nhiều năm làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), ngoài lý do thu nhập ổn định, có các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... công nhân trụ lại đây còn hy vọng mong cho con được học tập trong điều kiện tốt nhất.

Bám trụ thành phố vì con

Quê ở Phú Thọ, chị Phan Thị Bích đã lên làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long được 15 năm. Không muốn ở quê làm ruộng, chị Bích đi làm công nhân. Xuống Hà Nội, chị lập gia đình và sinh 3 người con: Một cháu năm nay lên lớp 6, một cháu lên lớp 2, con út được 3 tháng tuổi. Trong phòng trọ chật chội của vợ chồng chị Bích gần như không có tài sản gì đáng giá, kê 2 chiếc bàn học của các con đã ngốn mất 2 góc phòng.

“Làm ở Hà Nội nhiều năm nay nhưng vợ chồng tôi không đủ sống, giật gấu vá vai, thiếu trước hụt sau nên chẳng tiết kiệm được đồng nào. Đôi khi thiếu thốn, tôi phải vay mượn hàng xóm tiêu tạm, rồi khi có tiền mới trả lại. Cố trụ lại đây vì con thôi...” - chị Bích chia sẻ.

Trong căn phòng trọ được thuê với giá 900.000 đồng/tháng, gia đình chị Lã Hải Anh (SN 1982, quê Phú Thọ) sinh sống không có bất kỳ đồ đạc gì giá trị ngoài một chiếc laptop để phục vụ việc học của con gái. Chuẩn bị bước vào năm học mới, tiền sách vở đầu năm học của con gái đã ngốn của chị vài triệu đồng. Việc cho con gái học tập ở Hà Nội đã khiến chị Hải Anh phải lo toan thêm nhiều khoản chi phí. 

“Một tháng thu nhập của tôi được 7-8 triệu đồng. Tiền học ở Hà Nội của con gái tôi đắt hơn ở quê. Vì muốn con có điều kiện học tốt hơn nên tôi để cháu học ở đây. Mỗi khi có lương, tôi phải phân chia cụ thể từng khoản, chỉ mong đủ tiêu chứ không tích lũy được bao nhiêu...” - chị Hải Anh tâm sự.

Thời gian gần đây, nữ công nhân này không được tăng ca, chỉ đi làm giờ hành chính. Đó cũng chính là lý do khiến thu nhập của chị giảm sút. “Gần đến ngày nghỉ trong tuần là công ty đã hết việc nên không ai được tăng ca. Giờ tôi chỉ mong việc đều, ổn định, không bị cắt giảm giờ làm là may lắm rồi”, chị Hải Anh cho hay. 

Việc học của con đặt lên hàng đầu

Con gái vừa lên lớp 10, chị Hải Anh cho hay sẽ cố gắng làm việc tại KCN cho đến khi con học hết cấp 3 rồi sẽ chuyển về quê sinh sống. “Là phụ huynh ai cũng mong mỏi con cái học hành chăm ngoan nhưng học được đến đâu còn phụ thuộc vào khả năng của từng cháu. Tôi cứ cố cho con học hết cấp 3, còn sau này cháu có học lên được nữa hay không là do nỗ lực của bản thân cháu”, nữ công nhân tâm sự.

Khi được hỏi về các khoản phải chi đầu năm học, chị Đào Minh Tú (SN 1987, quê Tuyên Quang) nói: “Tốn nhiều lắm. Chưa họp phụ huynh nên tôi cũng chưa được thông báo cụ thể về các khoản cần phải đóng góp. Tôi chỉ mới mua sách vở, sắm quần áo... đã hết mấy triệu đồng. Tới đây chắc chắn sẽ phải đóng nhiều hơn”.

Với mức lương cơ bản khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng, tiền học ở trường của con gái khiến chị phải đi vay thêm để chuẩn bị sẵn sàng tiền học cho con. Theo chị Tú, số tiền này chỉ mới đóng tại trường học, chưa tính các khoản tiền chị cho con đi học thêm khác ngoài trường.

Vợ chồng chị Tú Cho con đi học thêm 3 môn: Toán, tiếng Việt, tiếng Anh. Một buổi học hết khoảng 50.000 - 60.000 đồng; mỗi tháng học từ 13-15 buổi đã tốn mất của chị Tú gần 1.000.000 đồng.

Song, ngay kể cả khi phải lo toan nhiều khoản chi phí sinh hoạt, với các cặp vợ chồng là công nhân, việc học của con luôn được đặt lên hàng đầu. “Không có tiền thì đi vay, có lương lại trả lại. Đời bố mẹ đã khổ, không thể vì hoàn cảnh gia đình để con cái không được học hành đến nơi đến chốn”, chị Tú tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn