MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nhân mong được nghỉ Tết Nguyên đán 2024 sớm hơn đề xuất

Mạnh Cường LDO | 26/09/2023 09:47

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2024 bắt đầu từ ngày 29 tháng Chạp hoặc 30 tháng Chạp đến hết mùng 5 hoặc mùng 6 tháng Giêng. Cả hai đề xuất, theo người lao động đều nghỉ khá muộn.

Trao đổi với Lao Động ngày 25.9, chị Phạm Thị Linh (35 tuổi) hiện đang làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, Đồng Nai cho biết, vì quê gốc ở tận Bắc Giang nên chị mong nghỉ Tết sớm. Năm ngoái, công ty làm hết ngày 27 Tết nên khi chị bắt xe về đến nhà đã là chiều 29 Tết. Thời gian sắm Tết dù còn hơn 1 ngày nhưng theo chị vẫn khá cập rập.

Năm nay, chị Linh chưa biết công ty cho nghỉ Tết sớm hay làm theo lịch của Nhà nước. Bởi hiện tại, công ty mới có đơn hàng trở lại, bắt đầu tăng ca, nữ công nhân lo lắng công ty sẽ làm đến ngày 29 mới nghỉ, bù đắp thời gian vừa rồi ít việc, chỉ làm cầm chừng.

Nhiều công nhân mong được nghỉ Tết sớm để về quê đón Tết cùng gia đình. Ảnh: Ngọc Huyền.

“Nếu năm nay làm đến hết ngày 28 mới nghỉ thì thu xếp nhanh về đến nhà cũng đã chiều 30 Tết. Đi máy bay đắt đỏ nên gia đình tôi lựa chọn xe khách. Nếu vậy, gia đình tôi dự định sẽ về vào ngày mùng 2” - chị Linh cho hay.

Chia sẻ thêm, chị Linh cho biết khi về ăn Tết vào ngày mùng 2 lúc đó khá vắng, giá vé cũng rẻ hơn. Chị dự tính sẽ xin nghỉ đến ngày mùng 10 tháng Giêng mới đi làm bởi công ty có chính sách đặc biệt cho người lao động ở xa. Dù vậy, kế hoạch trên chỉ là dự phòng. Bởi trong suy nghĩ, chị Linh cũng không muốn vì về quê thời điểm này, hương vị ngày Tết đã nhạt dần.

Mặc dù biết các công ty luôn có thời gian nghỉ dài hơn quy định của Nhà nước nhưng nữ công nhân vẫn mong muốn được bắt đầu nghỉ từ ngày 28 tháng Chạp. Bởi theo chị Linh, thời khắc đón giao thừa bên gia đình mới là giây phút ý nghĩa, thiêng liêng và hạnh phúc nhất của nhiều người xe quê đi làm.

Tương tự, chị Phạm Thị Nga (27 tuổi), công nhân tại khu công nghiệp Yên Bình (Thái Nguyên) chia sẻ với Báo Lao Động ngày 26.9, chị cũng mong được nghỉ Tết sớm từ ngày 27 Tết. Thậm chí, nữ công nhân mong muốn kéo dài đến ngày 8 Tết mới đi làm, chấp nhận chỉ được hưởng lương 5 ngày theo quy định, những ngày còn lại nghỉ không lương.

Vợ chồng chị Nga mua đồ chuẩn bị về quê đón Tết Quý Mão 2023. Ảnh: NVCC.

“Quê chồng tôi ở Hà Tĩnh còn quê mẹ ở Nam Định, mỗi lần nghỉ Tết, điều khiến tôi đau đầu nhất là sắp xếp thời gian về hai bên như thế nào hợp lý. Nghỉ sớm tôi sẽ có thời gian nhiều hơn để chuẩn bị cũng như về thăm, chuẩn bị Tết trọn vẹn cả hai bên” - chị Nga tâm sự.

Với lịch nghỉ Tết như lần này, nữ công nhân cảm thấy khá bất cập. Bởi dự định của chị là về quê mẹ trước 1 - 2 ngày sau đó bắt xe về Hà Tĩnh. Thời gian di chuyển về Nam Định 3 tiếng, thời gian từ Nam Định về Hà Tĩnh là 10 tiếng.

Như năm ngoái, chị Nga đã sắp xếp về quê mẹ vào chiều ngày 28 Tết, đến tối 29 Tết bắt xe về Hà Tĩnh. Sáng 30 Tết đã có mặt tại quê chồng. Ngày mùng 3 Tết lại bắt xe cho các con về quê ngoại. Mặc dù gấp rút nhưng nữ công nhân vẫn cảm thấy thoải mái, nhẹ lòng vì đã lo chu toàn ở cả hai bên nội ngoại.

Nếu công ty làm việc đúng lịch của Nhà nước theo 1 trong 2 đề xuất, chị Nga cho biết sẽ không thể về quê ngoại trước Tết được. “Nhanh nhất sáng 29 Tết được nghỉ, tôi sẽ về thẳng Hà Tĩnh luôn. Bởi về đến nơi cũng đã chiều, tối ngày 29 trong khi tôi còn phải chuẩn bị rất nhiều đồ để đón Tết nữa" - chị Nga nói.

Do vậy, trước mắt chị Nga đồng tình với đề xuất nghỉ Tết bắt đầu từ ngày 29 tháng Chạp. Nếu có thể, chị mong được nghỉ Tết từ ngày 28 tháng Chạp. Bởi thời điểm cuối năm theo chị Nga công ty cũng ít việc, tinh thần mọi người không còn hào hứng như trước nên năng suất cũng không cao. Đồng thời, nghỉ Tết sớm cũng giúp người lao động chuẩn bị cho cái Tết ấm áp hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn