MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân trông chờ có nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và hơn hết họ được tiếp cận giá gốc. Ảnh minh hoạ: Minh Phương

Công nhân mong được tiếp cận nhà ở xã hội giá gốc

Tất Thảo - Minh Phương LDO | 25/05/2022 10:38
Trước thềm Chương trình Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động dự kiến tổ chức nhân dịp Tháng Công nhân năm 2022, nhiều công nhân lao động bày tỏ mong muốn được Nhà nước, Chính phủ quan tâm hơn đến các chính sách về nhà ở xã hội.

Dù vay mượn, vẫn muốn mua nhà ở xã hội

Hơn 10 năm làm công nhân, anh Nguyễn Văn Hoan (công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) luôn ước mơ có một căn nhà, dù chỉ là nhà ở xã hội. 2 vợ chồng anh Hoan cùng làm công nhân, tổng thu nhập khoảng 19 triệu đồng/tháng nếu được tăng ca. Chi tiêu dè sẻn, sau nhiều năm làm công nhân, anh Hoan cho biết cũng tiết kiệm được vài trăm triệu đồng. Nếu muốn nhà ở xã hội, anh phải vay mượn thêm.

Quê ở Ba Vì (Hà Nội), anh Hoan cho hay, muốn về quê xây nhà cũng phải mua đất, với số tiền có được, mua đất, cất nhà với anh là điều không thể. Hiện nay cả gia đình 4 người thuê trọ ở thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh), căn phòng chỉ rộng khoảng 15m2, không đảm bảo sinh hoạt. Mỗi tháng, anh phải trả 1,3 triệu đồng (bao gồm điện, nước). Chia sẻ về mong muốn lớn nhất, nam công nhân này nói: “Tôi hy vọng công nhân có thể dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội giá gốc”.

“Muốn mua một căn nhà ở xã hội cũng phải 800 triệu đồng trở lên. Đây là số tiền không hề nhỏ với công nhân. Dẫu vậy, dù phải vay ngân hàng, bạn bè người thân, tôi vẫn mong có căn nhà cho gia đình” - anh Trần Văn Huy (công nhân Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long) chia sẻ.

Anh Huy cho biết, anh đã tìm hiểu các dự án nhà ở xã hội trong 3 năm qua nhưng vẫn chưa có kết quả vì không thể nộp hồ sơ hoặc bán giá cao. “Sắp tới, tôi mong nhà nước, chính phủ có thêm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và hơn hết, chúng tôi được tiếp cận với giá tốt nhất” - anh Huy bày tỏ. 

Cần nhiều khu vui chơi giải trí cho công nhân

Theo ông Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh - vấn đề cần quan tâm lớn nhất hiện nay đối với người lao động là nhà ở xã hội; cùng với đó là trường học, khu vui chơi giải trí cho công nhân lao động.

“Hiện tại, Bắc Ninh về cơ bản đáp ứng được nhu cầu về trường học, khu vui chơi giải trí. Tuy nhiên, 70% lực lượng lao động trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh là lao động trẻ, mới hoặc chưa xây dựng gia đình, con còn nhỏ nên áp lực về trường học đã có nhưng chưa thiếu. Nhưng trong tương lai, nhu cầu sẽ nhiều hơn. Khi đầu tư nhà ở xã hội cho người lao động thì người lao động sẽ an cư tại Bắc Ninh. Khi đó tỉ lệ nhà ở xã hội tương ứng với tỉ lệ trường học đáp ứng cho con công nhân lao động khi an cư ở Bắc Ninh” - ông Quyết nhận định. 

Theo ông Quyết, một căn hộ nhà ở xã hội có giá từ 750 triệu đồng đến 1,2 tỉ đồng, trong khi đó, người lao động có mức thu nhập 8,5-12 triệu đồng/tháng, rất khó có thể mua nhà. Do vậy, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giảm giá thành nhà ở xã hội. 

Ông Quyết cũng cho rằng, khi xây dựng nhà ở xã hội, cần phải có cơ chế tạo điều kiện để công nhân lao động tiếp cận được với chủ đầu tư, không phải qua “cò”. Bởi, khi thông qua “cò” thì sẽ phát sinh về tiền, công nhân lao động phải bỏ thêm chi phí. Hơn nữa, khi không được tiếp cận trực tiếp chủ đầu tư thì người lao động rất khó tiếp cận được vốn vay với lãi suất ưu đãi.

“Những dự án nhà ở xã hội phải thực sự dành cho đối tượng là công nhân lao động” - ông Quyết nói và cho biết thêm, cùng với việc xây dựng nhà ở cho công nhân lao động, cần quy hoạch khu trung tâm thương mại, khu nhà trẻ mẫu giáo, công viên văn hoá phục vụ cho công nhân lao động.

Theo thống kê của Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh: Hiện, trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh có 330.000 người lao động, trong đó 73-75% là lao động ngoại tỉnh. Trong số lao động ngoại tỉnh, khoảng 40% có nhu cầu về nhà ở.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn