MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2022 giúp đời sống của công nhân lao động đỡ phần nào khó khăn. Ảnh minh hoạ: Tất Thảo

Công nhân mong lương cơ bản tăng tương ứng theo lương tối thiểu vùng

Bảo Hân - Anh Thư LDO | 15/06/2022 08:00

Thông tin lương tối thiểu vùng chính thức tăng từ ngày 1.7.2022 khiến nhiều người lao động rất vui. Họ hy vọng thời gian tới sẽ sớm được tăng lương cơ bản với mức tăng tương ứng của lương tối thiểu vùng để cuộc sống của họ bớt đi phần nào khó khăn. 

Công nhân ngóng tăng lương 

Chị Bùi Thị Thu - công nhân cụm công nghiệp Việt Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - cho biết, qua báo chí, chị đã biết được thông tin chính thức tăng lương tối thiểu vùng 6% so với mức hiện tại từ ngày 1.7.2022. 

Sau 4 năm đi làm công nhân, lương cơ bản của chị Thu mới chỉ được 4 triệu đồng/tháng. Dù con số này đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng áp dụng trên địa bàn huyện Việt Yên (3.430.000 đồng/tháng), nhưng vẫn chưa đủ để chị trang trải cuộc sống.  

Ngoài lương cơ bản, nữ công nhân này còn có tiền phụ cấp (tổng cộng khoảng 700.000 đồng/tháng) và tiền làm thêm; tổng thu nhập của chị vào khoảng 6 triệu đồng/tháng (nếu có làm thêm).

“Tháng này, công ty ít việc, ít đơn hàng nên theo tính toán của tôi, thu nhập chỉ được khoảng 5 triệu đồng. Chồng tôi làm công nhân, cũng nghỉ làm suốt vì ít việc nên tổng thu nhập của 2 vợ chồng tháng này chỉ được 7-8 triệu đồng. Trong khi đó, vợ chồng tôi đang nuôi 3 con, rất nhiều khoản phải chi. Giá xăng, giá các mặt hàng có xu hướng tăng khiến tôi càng phải “co kéo”, chắt bóp hơn” - chị Thu nói.  

Nghe thông tin lương tối thiểu vùng tăng, chị Thu cảm thấy vui và bày tỏ hy vọng, lương cơ bản sẽ được tăng tương ứng để thu nhập được cải thiện, cuộc sống bớt khó khăn.  

Chị Nguyễn Thị Ca đang làm công nhân tại công ty dệt trên địa bàn thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) - nơi đang áp dụng lương tối thiểu vùng 3 (3.430.000 đồng). Trước đây, chị Ca làm công nhân một công ty ở gần nhà, nhưng do công ty phá sản, chị mới chuyển công ty mới này được 1 năm.

“Hiện tôi đang được trả lương cơ bản là 4,4 triệu đồng/tháng. Cộng với tiền làm thêm, tổng thu nhập của tôi được khoảng 6-7 triệu đồng/tháng” - chị Ca nói. 

Chị Ca cho biết, chị chưa nắm được thông tin tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2022. Khi nghe phóng viên trao đổi về thông tin này và nói thêm, dù lương cơ bản công ty trả cho chị đã cao hơn lương tối thiểu vùng, nhưng nhiều doanh nghiệp thường sẽ tăng lương cơ bản theo mức tăng của lương tối thiểu vùng, nữ công nhân này nói, nếu như vậy thì sẽ là tin vui đối với công nhân như chị.

“Tôi nghe nhiều công nhân vào làm lâu năm ở công ty nói, trước đây, lương cơ bản công ty trả là 4,5 triệu đồng/người/tháng, nhưng 2-3 năm gần đây, do gặp khó khăn, nên con số này giảm xuống 4,4 triệu đồng/người/tháng như hiện nay. Chỉ có những người làm rất lâu năm mới được mức lương cơ bản 4,5-4,6 triệu đồng/tháng” - chị Ca kể. Dù vậy, chị Ca rất hy vọng, sau khi Nghị định về tăng lương tối thiểu có hiệu lực, doanh nghiệp nơi chị làm việc sẽ tăng lương cơ bản cho công nhân.  

Hoàn cảnh của chị Ca rất khó khăn: Chồng chị bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, không có khả năng lao động. Một mình suất lương của chị phải lo cho 3 người: chị, chồng và con (năm nay 15 tuổi). “Đối với công nhân, việc tăng lương chỉ 100.000-200.000 đồng cũng khiến họ vui mừng, cuộc sống bớt đi khó khăn” - theo chị Ca.

Tăng lương mới chỉ giúp công nhân đỡ khó khăn phần nào 

Ông Nguyễn Văn Sinh - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ - cho biết, khi Nghị định chính thức có hiệu lực, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh sẽ chỉ đạo các công đoàn cơ sở để tăng cường giám sát việc thực hiện tăng lương tối thiểu vùng.  

“Hai năm qua, chưa được tăng lương, nên công nhân lao động đều rất mừng khi nghe lương được tăng, dù ít, dù nhiều. Nhưng, theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, mức tăng lương tối thiểu vùng ở mức 6% chỉ giúp công nhân đỡ khó khăn phần nào, chứ chưa cải thiện, thay đổi nhiều về cuộc sống của người lao động” - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ nhận định.  

Ông Sinh nói thêm, khi Nghị định có hiệu lực, trong các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp sẽ có xu hướng tăng 6% đối với mức lương ghi tại hợp đồng lao động của từng công nhân.

“Ngoài ra, hiện nay, các phụ cấp đối với công nhân lao động là những khoản cơ bản, nên chủ sử dụng lao động sẽ giữ nguyên, không thể cắt bớt khi tăng lương tối thiểu vùng” - cán bộ công đoàn này nói.  

Ở góc độ doanh nghiệp, chị Nguyễn Bích - Phòng nhân sự Công ty TNHH sản xuất và thương mại Proline Việt Nam (Thường Tín, Hà Nội) - cho hay, đơn vị tuân thủ tuyệt đối về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho người lao động từ 1.7.2022 theo quy định của Chính phủ. Theo chị Bích, đơn vị là doanh nghiệp nhỏ với 25 công nhân, doanh thu không nhiều nên việc tăng lương sẽ tác động đến doanh nghiệp.

Song, phía phòng nhân sự thông tin về việc này đến Ban Giám đốc. Sau đó, Ban Giám đốc sẽ có những định hướng về kinh doanh sau khi tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động.

Ông Đào Tiến Thành - Quản lý Công ty TNHH TH Clean (Long Biên, Hà Nội) - cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin về việc sẽ điều chỉnh lương tối thiểu vùng thêm 6% so với hiện hành từ ngày 1.7 tới đây. Song, vốn là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, để thu hút được người lao động đến làm việc, công ty đang trả lương cơ bản cho người lao động từ 6 triệu đồng/tháng trở lên và phụ cấp. Với mức này, người lao động đang nhận lương cơ bản cao hơn so với quy định hiện hành. Vì vậy, thời gian tới công ty sẽ không có điều chỉnh gì thêm về lương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn