MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân một doanh nghiệp thiết bị điện tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh: N.H

Công nhân mong mỏi được tăng lương từ 1.7

Bảo Hân LDO | 25/06/2022 06:03
Chia sẻ tâm tư với phóng viên Lao Động, nhiều công nhân cho biết, dù hiện đã được trả lương cao hơn lương tối thiểu vùng, nhưng họ vẫn mong muốn tiếp tục được tăng lương khi Nghị định số 38/2022/NĐ-CP có hiệu lực để cải thiện cuộc sống.

Tăng lương một đồng cũng quý  

Chị Bùi Huyền Trang (công nhân một công ty điện tử tại huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) hiện có mức lương cơ bản là 4.250.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương này đã cao hơn lương tối thiểu vùng hiện đang áp dụng trên địa bàn huyện (3.430.000 đồng/tháng) cũng như mức áp dụng từ 1.7.2022 (3.640.000 đồng/tháng).  

Mức lương cơ bản trên, cộng với các khoản phụ cấp và tiền làm thêm (nếu đi làm nhiều) được khoảng 8-9 triệu đồng/tháng; nhưng nếu ít việc chỉ được khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Chồng chị Trang làm nghề tự do, thu nhập không ổn định. Con chị - năm nay mới 2 tuổi - thường xuyên phải uống sữa ngoài, nên chi phí lại càng tốn kém hơn.

“Bình thường, với mức thu nhập như trên, vợ chồng tôi phải chi tiêu chắt bóp mới đủ ăn. Có tháng bị giảm thu nhập, tôi phải vay mượn để có tiền trang trải sinh hoạt của gia đình” - chị Trang cho hay.  

“Hiện tôi chưa nghe thông tin chính thức nào về việc công ty có tăng lương cho công nhân từ 1.7.2022 khi Nghị định 38 có hiệu lực hay không. Mức lương hiện công ty trả cho công nhân đã cao hơn lương tối thiểu vùng; hơn nữa, đầu năm nay công ty đã tăng lương cho công nhân rồi, nên tôi không rõ có được thêm tiền lương hay không. Nếu có tăng, tôi đoán chỉ tầm khoảng 50.000 đồng/người/tháng” - chị Trang nói và mong mỏi tiếp tục được tăng lương, dù lương công ty hiện trả đã cao hơn nhiều so với lương tối thiểu vùng. “Bởi với lương, thu nhập như trên, cuộc sống của công nhân chúng tôi vẫn còn rất khó khăn” - chị Trang nói.  

Tương tự chị Trang, chị Nguyễn Thị Huế (công nhân một công ty điện tử tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) chưa nắm được thông tin công ty có tăng lương từ 1.7 hay không. “Cách đây 2 năm, công ty đã tăng lương thêm 150.000 đồng; đầu năm nay tăng thêm 100.000 đồng. Hiện tại mức lương của tôi là 4.250.000 đồng/tháng. Theo tôi được biết, mức lương này đã cao hơn nhiều so với lương tối thiểu vùng hiện áp dụng (3.430.000 đồng/tháng) cũng như mức áp dụng từ 1.7.2022 (3.640.000 đồng/tháng) trên địa bàn huyện Việt Yên” - chị Huế nói.  

Ngoài mức lương trên, chị Huế còn được hưởng các khoản phụ cấp như xăng xe, đi lại… (tổng cộng khoảng 1 triệu đồng/tháng) và tiền làm thêm. “Nếu không tăng ca, thu nhập của tôi được khoảng 6 triệu đồng/tháng; nếu có tăng ca được khoảng 8 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, tôi vẫn mong muốn được tăng lương để cải thiện thu nhập. Đối với công nhân, có thêm được đồng nào thì quý đồng đó, giúp cuộc sống bớt đi một phần khó khăn” - chị Huế nói.  

Công nhân vẫn muốn tăng lương  

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tân - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Hosiden (Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết, từ đầu năm 2022, công ty đã tăng lương cho công nhân (100.000 đồng/người/tháng). Hiện mức lương cơ bản thấp nhất công ty trả cho công nhân là 4,2 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương cơ bản này đã cao hơn so với lương tối thiểu vùng đang cũng như sắp áp dụng trên địa bàn huyện Việt Yên từ 1.7.2022. 

“Ngoài ra, những công nhân có thâm niên, có tay nghề được hưởng lương cơ bản cao hơn. Cùng với tiền lương, họ còn được nhận các khoản phụ cấp (khoảng 1 triệu đồng/tháng) và tiền tăng ca. Tổng thu nhập của công nhân từ 7-10 triệu đồng/tháng, tuỳ vào vị trí công việc, thời gian làm thêm” - ông Tân cho hay.  

Theo ông Tân, qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động, họ đều muốn được tăng lương. Tuy nhiên, công ty chưa có tiền lệ tăng lương cơ bản vào giữa năm. Hiện công ty Hosiden có 4.800 CNLĐ.  

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ công đoàn bày tỏ mong muốn, trên cơ sở điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ 1.7.2022, các doanh nghiệp cũng sẽ điều chỉnh chung các mức tiền lương hiện có để tăng thêm cho người lao động. Điều chỉnh tiền lương trả cho người lao động cũng đồng nghĩa tăng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cho họ, từ đó tăng tiền lương hưu sau này khi về già.  

Ông Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) - cho rằng, lương hiện nay của người lao động rất thấp, chưa bàn đến thang, bảng lương, nguyên nhân đầu tiên là do lương tối thiểu thấp. Vì vậy, cần đề xuất cho các doanh nghiệp có cách trả lương cho người lao động được cải thiện hơn. Ngoài ra, cần phân chia ra để xác định, tập trung cải thiện mức lương của những người lao động chỉ trông vào tiền lương, không có nguồn thu nhập nào khác. 

“Những trường hợp người lao động có lương thấp thì cần có giải pháp để giúp đỡ, ví dụ phúc lợi, tiền quỹ của doanh nghiệp để hỗ trợ họ cải thiện tiền lương, đời sống” - ông Thọ nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn