MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐVN trao quà cho CNLĐ nghèo tỉnh Hà Nam. Ảnh: Minh Hạnh

Công nhân mong muốn được mua nhà với giá ưu đãi

Đỗ Hạnh LDO | 12/05/2023 13:00

Chiều 11.5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam phối hợp với LĐLĐ tỉnh Hà Nam tiếp xúc gần 300 cử tri là công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp của tỉnh. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của Tháng Công nhân 2023. Phần lớn các kiến nghị của CNLĐ tập trung vào các vấn đề nóng như: Nhà ở xã hội, khu vui chơi giải trí sau giờ làm việc, nhà trẻ, rút BHXH một lần...

10% công nhân phải thuê trọ

Thống kê, tỉnh Hà Nam hiện có 8 khu công nghiệp (KCN) và các cụm công nghiệp đi vào hoạt động với hàng chục nghìn lao động trong và ngoài tỉnh đến làm ăn, sinh sống. Tuy nhiên, các thiết chế Công đoàn như: Nhà ở, nhà trẻ, sân vận động, khu vui chơi giải trí... phục vụ đời sống của công nhân, người lao động còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, phần lớn các kiến nghị đều mong muốn Chính phủ, tỉnh Hà Nam có những quyết sách, xây dựng nhiều hơn các khu thể thao, khu vui chơi phù hợp để CNLĐ có thể tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao nâng cao đời sống tinh thần sau những giờ làm việc căng thẳng.

Thống kê có khoảng 10% công nhân làm việc ở các khu công nghiệp của Hà Nam ở các tỉnh xa đến làm việc và phải thuê trọ.  Đây là những công nhân chịu nhiều tác động nhất khi đơn hàng sụt giảm. Họ phải thuê trọ trong những căn nhà chỉ có 20 đến 25 m2. Nhiều gia đình CN phải đưa cả con lên ở trọ, chi trả tiền học phí. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều quan tâm đến đời sống công nhân lao động. Tuy nhiên, nếu như  tình hình thu nhập, việc làm tiếp tục không được cải thiện, công nhân sẽ phải bỏ nhà máy để về quê. Khó khăn của công nhân sẽ dẫn đến những khó khăn của doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, tại các khu công nghiệp có đông lao động nữ, với mức thu nhập như hiện nay (chủ yếu từ lương công nhân trong các khu công nghiệp) thì rất khó tích lũy để mua nhà. Cùng đó, việc gửi con đi nhà trẻ, mẫu giáo cũng rất bất tiện và khó khăn vì CN đi làm thông ca từ sáng đến tối. Nhu cầu về nhà trẻ, trường mẫu giáo để CN gửi con đi làm rất cao, trong khi hiện nay có nhiều nhà trẻ, mẫu giáo tự phát, một số cơ sở không đảm bảo an toàn. Đề nghị Chính phủ, UBND tỉnh Hà Nam quan tâm xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo để công nhân có nơi gửi con, được yên tâm làm việc. Người lao động đều mong muốn được mua nhà ở xã hội với giá ưu đãi, phù hợp thu nhập của công nhân.

CNLĐ phải tiết kiệm từng đồng mới đủ sống

Công nhân Ngô Hoài Nam - Công ty May Kim Bình - phản ánh: Hiện nhiều đơn hàng của công ty bị sụt giảm, không còn việc làm thêm, tăng ca. Công ty đã phải chủ động tìm kiếm nhiều nguồn hàng, đơn hàng, thị trường mới để có đủ lượng đơn hàng cho người lao động,  không làm đứt gãy hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người lao động, khi trước đây thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng thì hiện nay xuống còn 6 triệu đồng/người/tháng.

Chị Nguyễn Thị Thắm - công nhân  Công ty TNHH Vina Han (quê ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) - chia sẻ: “Tiền lương của công nhân chưa đủ sống. Tôi cũng không hiểu vì sao công nhân làm việc nhiều như vậy mà lương vẫn không đủ sống. Chúng tôi chỉ mong làm sao có giờ giấc thời gian làm việc ổn định, thu nhập ổn định”.  

Công nhân Bùi Thị Oanh - Công ty TNHH Victory Sporting Goods Việt Nam - nêu lên tình trạng trốn nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của một số doanh nghiệp. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường quản lý Nhà nước về lao động, đảm bảo quyền lợi CN…

Đại diện UBND tỉnh Hà Nam và ông Trần Văn Khải - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam - đã ghi nhận những kiến nghị của tập thể công nhân lao động tại các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam. Theo ông Khải, những kiến nghị rất xác đáng, sát thực với đời sống của người lao động. Những chia sẻ kịp thời này giúp doanh nghiệp và chính quyền địa phương cùng chung tay giải quyết những khó khăn.

Trong năm 2023, nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến đời sống người lao động. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều quyết sách để bình ổn giá, đảm bảo đời sống của người dân.

Theo đại diện tỉnh Hà Nam, việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp sau giờ làm việc là hết sức chính đáng. Liên quan đến việc rút BHXH một lần ồ ạt của người lao động, ông Trần Văn Khải khuyến cáo người lao động hãy bình tĩnh, không nghe theo kích động rút BHXH trước thời hạn, gây thiệt thòi cho bản thân.

LĐLĐ tỉnh Hà Nam đã trao tặng 210 suất quà đến công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trong các khu công nghiệp của tỉnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn