MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều công nhân mong có chính sách trả lương cố định phù hợp cho 8 tiếng làm việc. Ảnh: Mạnh Cường

Công nhân mong muốn tiền lương sau cải cách phù hợp với thực tế

Mạnh Cường LDO | 08/11/2023 17:03

Nếu thực hiện cải cách tiền lương năm 2024, nhiều công nhân mong có mức lương cố định phù hợp với 8 tiếng làm việc. Đồng thời, trả lương theo năng lực làm việc và thay đổi tiền lương linh hoạt theo từng năm cũng như tình hình thực tế.

Trao đổi với Lao Động, anh Nguyễn Văn Tiến (34 tuổi) - công nhân bộ phận là hơi tại Nam Định cho biết, những tháng ít việc, thu nhập của anh rất thấp vì chỉ tính theo giờ hành chính. Với 8 tiếng làm việc, tiền lương chỉ gồm lương cơ bản và một số khoản phụ cấp kèm theo. Cứ nghĩ đến lương cơ bản, anh Tiến lại chạnh lòng.

“Trước đây, tôi làm công nhân tại Đông Anh, Hà Nội, lương cơ bản 4,5 triệu đồng/tháng, bây giờ về quê làm việc, lương cơ bản có 3,8 triệu đồng. Cộng thêm phụ cấp xăng xe, chuyên cần và độc hại cũng chỉ được 4,7 triệu đồng” - anh Tiến chia sẻ.

Ngoài ra, dù đã có 9 năm kinh nghiệm trong nghề nhưng khi vào nơi làm việc mới, anh Tiến phải chấp nhận lương cơ bản theo mức thấp nhất. Công ty cho rằng lương thực nhận tính theo sản phẩm nên khuyên công nhân đừng quá quan trọng lương cơ bản. Tuy nhiên, theo anh Tiến chỉ khi làm giờ hành chính hoặc hưởng các chế độ bảo hiểm mới thấy lương cơ bản thấp rất thiệt thòi.

Chia sẻ về mong muốn khi cải cách tiền lương, anh Tiến hy vọng có một mức lương cố định cho 8 tiếng làm việc, không nên phụ thuộc vào giờ hành chính, thấp nhất là 5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, công ty nên xem xét năng lực của công nhân để xây dựng mức lương cố định khởi điểm phù hợp. Theo nam công nhân, đây là một chính sách thiết thực để thu hút những người có tay nghề giỏi.

Cùng hoàn cảnh với anh Tiến, chị Phạm Thị Lý (37 tuổi) - công nhân may tại Đồng Nai cũng mong muốn xây dựng bảng lương cố định khởi điểm theo năng lực làm việc. Đồng thời, chị Lý cho rằng lương công nhân cần thay đổi bắt buộc theo năm và tình hình thực tế, không đợi lương tối thiểu vùng tăng mới tăng.

“Để đạt được mức lương cao, công nhân chúng tôi không có cách nào khác ngoài việc phải cố gắng làm hết sức để ra năng suất tốt nhất. Ở công ty tôi không có tiền thâm niên, thấy các công ty khác hỗ trợ khoản này, đồng thời tăng lương cơ bản định kỳ lại chạnh lòng” - chị Lý cho hay.

Chia sẻ kỹ hơn, nữ công nhân cho biết, hiện công ty đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân ở mức chỉ cao hơn một chút so với lương tối thiểu vùng. Chỉ khi nào Nhà nước tăng lương tối thiểu vùng, công ty mới tăng theo để tiết kiệm chi phí.

Những lúc giá cả các mặt hàng leo thang, chị Lý lại thấy đồng lương của bản thân thật ít ỏi. “Bình thường cầm 500.000 đồng ra chợ, tôi mua được đồ ăn cả tuần cho hai vợ chồng. Nhưng lúc giá cả leo thang, chỉ mua được nhiều lắm 4 ngày” - chị Lý tâm sự.

Do đó, chị Lý mong muốn Nhà nước xây dựng chính sách tăng lương tối thiểu vùng ít nhất 1 năm 1 lần.

Về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập theo Nghị quyết 27 đối với các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) được tự quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động); trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước công bố trên cơ sở thoả ước lao động tập thể phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp và công khai tại nơi làm việc.

Theo đó, cơ cấu tiền lương của người lao động trong doanh nghiệp sẽ do từng doanh nghiệp quyết định, đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn