MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngoài tiền lương, công nhân lao động còn mong được nhận thêm tiền từ các khoản phụ cấp. Ảnh minh hoạ: Bảo Hân

Công nhân mong tăng thêm tiền phụ cấp

Bảo Hân LDO | 04/07/2022 07:51
Thu nhập hằng tháng của người lao động tại doanh nghiệp thường có tiền lương, các khoản phụ cấp và tiền làm thêm. Trao đổi với phóng viên, nhiều công nhân lao động cho biết, cùng với tăng lương, họ cũng mong được thêm các khoản phụ cấp để có thêm thu nhập, bớt đi khó khăn trong bối cảnh giá cả tăng cao như hiện nay.

Dễ bị trừ tiền phụ cấp  

Chị Đỗ Thị Thu Hoài là công nhân một công ty tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tiền lương cơ bản chị nhận từ công ty là 4.400.000 đồng/tháng. Ngoài ra, chị còn được nhận 3 khoản phụ cấp là chuyên cần (300.000 đồng/người/tháng); xăng xe (150.000 đồng/tháng) và trợ cấp cho phụ nữ (30.000 đồng/người/tháng). Trước đây, chị còn được nhận khoản trợ cấp con nhỏ (100.000 đồng/người/tháng), nhưng nay, khoản này không còn nữa.  

“Tôi làm ở công ty đã được 5 năm. Trong thời gian này, các khoản phụ cấp vẫn “dậm chân tại chỗ”, chưa tăng lần nào. Tôi thấy một số công ty khác có khoản hỗ trợ tiền nhà ở, nhưng công ty tôi không có” - chị Hoài nói. 

Không chỉ nhiều năm nay không tăng, các khoản phụ cấp này rất dễ bị công ty trừ. Theo chị Hoài, đối với tiền chuyên cần, nếu công nhân đi làm đầy đủ các ngày trong tháng thì mới được hưởng 300.000 đồng; còn nếu công nhân vào muộn 10-15 phút hoặc có việc riêng xin ra ngoài 1 giờ thì sẽ trừ 100.000 đồng; nếu nghỉ làm 2 ngày thì bị trừ hết toàn bộ phụ cấp chuyên cần. “Thậm chí, nếu con bị ốm, phải nghỉ 2,3 ngày để trông con mà không thuộc dạng nghỉ phép thì bị trừ hết tiền chuyên cần, trừ cả tiền xăng xe” - chị Hoài nói.  

Tổng thu nhập của chị Hoài nếu có làm thêm được 6,3 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm nghề lái xe, thu nhập khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Như vậy, vợ chồng chị phải chi tiêu rất dè sẻn mới đủ trang trải cho cuộc sống gia đình với 2 con đang trong tuổi ăn học.

Vai trò của Công đoàn trong thương lượng  

Chị Nguyễn Thị Thu - công nhân một công ty thuộc tỉnh Bắc Giang - cũng được nhận 2 khoản phụ cấp chính là tiền chuyên cần và xăng xe. “Tiền chuyên cần 500.000 đồng/người/tháng; tiền xăng xe 200.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, công nhân làm việc lâu còn được nhận khoản phụ cấp nhà ở. Theo đó, công nhân làm được 6 tháng được hưởng 100.000 đồng/tháng; làm 1 năm trở lên được 300.000 đồng/tháng” - chị Thu kể.  

Như vậy, một tháng chị Thu được nhận khoảng 1 triệu đồng tiền phụ cấp các loại. Tuy vậy, cũng như nhiều công nhân khác, chỉ cần nghỉ làm 2 ngày không phép thì công nhân sẽ không được tiền chuyên cần, cùng với bị trừ cả tiền xăng xe.   

Hiện, lương cơ bản của chị Thu là 4.200.000 đồng/tháng. “Cộng với các khoản phụ cấp và tiền làm thêm, tháng cao nhất tôi được nhận 8 triệu đồng. Tuy nhiên, có những tháng ít việc, phải nghỉ luân phiên như tháng 6 vừa qua, thu nhập của tôi giảm xuống chỉ còn 4,5-4,6 triệu đồng/tháng. Lý do là ngoài không được tiền làm thêm, các khoản phụ cấp cũng bị trừ gần hết do nghỉ làm nhiều. Chồng tôi làm cùng công ty, có thu nhập tương tự. Với tổng thu nhập chỉ khoảng 9 triệu đồng của 2 vợ chồng, chúng tôi phải thắt chặt chi tiêu may ra mới đủ trang trải cho cuộc sống” - chị Thu nói.

Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Thu Lan - Viện phó Viện công nhân Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) - cho biết, vừa qua, qua khảo sát tại một công ty cho thấy: Lương cơ bản của là 4,5 triệu đồng/người/tháng; phụ cấp tay nghề từ 250.000 đồng đến 2 triệu đồng; tiền chuyên cần là 480.000 đồng/người/tháng.  

“Với khoản phụ cấp tay nghề được quy định như trên, công ty có thể trả cho người lao động ở rất nhiều mức. Với tiền chuyên cần, công nhân chỉ cần nghỉ một vài ngày cũng bị mất toàn bộ số tiền này” - bà Lan nói và cho biết thêm, thậm chí, có công ty còn tính chuyên cần cho thời gian làm tăng ca; nếu công ty cần tăng ca mà công nhân đáp ứng được thì mới được hưởng tiền chuyên cần. Có công ty đặt ra quy định công nhân phải hoàn thành định mức thì mới được tiền chuyên cần và thưởng định mức, năng suất. 

Về các khoản tiền phụ cấp cho công nhân, bà Lan cho rằng, đây là quyền của doanh nghiệp, pháp luật không quy định cụ thể các khoản phụ cấp.  

“Công cụ duy nhất là thương lượng. Công đoàn cần tăng cường vai trò của mình trong công tác thương lượng tập thể để đưa vào thoả ước lao động tập thể những điều khoản có lợi hơn cho người lao động, trong đó có các khoản phụ cấp” - bà Lan nói. Theo bà Lan, nếu đưa được quy định về các khoản phụ cấp vào thoả ước lao động tập thể thì lúc này, doanh nghiệp buộc phải thực hiện; còn nếu quy định về các khoản phụ cấp mới chỉ đưa vào quy chế quản lý của công ty thì công ty toàn quyền quyết định.

Bà Lan nói thêm, có công ty sau khi thương lượng đã đồng ý trả phụ cấp cho công nhân, nhưng không đưa vào thoả ước lao động tập thể để đề phòng lúc gặp khó khăn còn thay đổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn