MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia đình công nhân mua đồ tại phiên chợ “Gian hàng dành cho công nhân lao động” do LĐLĐ tỉnh Bắc Giang tổ chức tháng 1.2021. Ảnh: Bảo Hân

Công nhân mong Tết để được về quê gặp con

Bảo Hân LDO | 03/01/2022 11:30
Dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, mà còn khiến nhiều cặp vợ chồng công nhân rơi vào cảnh không được gặp con trong thời gian dài. Vì vậy, họ đang rất mong đến dịp Tết Âm lịch - được nghỉ dài ngày - để có nhiều thời gian trở về với các con.

Không dám đón con lên ở cùng vì dịch 

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) đang phải xa hai con 6 tháng nay. “Tôi đang rất mong đến Tết Âm lịch để có thể về với các con” - chị Anh nói.  

Đợt 30.4, chị Anh gửi hai con (5 tuổi và 4 tuổi) về quê Nam Định chơi với ông bà một thời gian rồi dự định sẽ sớm đón con lên. Nhưng do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chị đành tiếp tục để các con ở quê. Chị Anh trải qua những ngày đi làm “3 tại chỗ” ở công ty; rồi những ngày tạm nghỉ ở nhà để phòng chống dịch. Đợt tháng 9.2021, do trường học ở Hà Nội chưa mở cửa, chị tiếp tục để các con học ở quê. 

“Xa con, tất nhiên là rất nhớ, nhưng vợ chồng tôi đành nén lại, không dám đón con lên Hà Nội khi dịch bệnh vẫn đang phức tạp. Hơn nữa, cả hai vợ chồng đều bận đi làm, nếu đón các cháu lên thì không có ai trông” - chị Anh lý giải. Chị Anh đang mang thai tháng thứ 6. Thời gian trước, chị bị động thai, đã nghỉ hết thời gian nghỉ phép, nên không thể có thời gian về quê với các con. Để đỡ nhớ, anh chị chỉ còn biết gọi điện video cho các con vào cuối ngày khi cả hai vợ chồng trở về phòng trọ sau những giờ làm việc trong nhà xưởng. 

“Thời gian đầu, các con luôn miệng đòi ra với bố mẹ, nhưng lâu dần cũng quen, nên không thấy mè nheo đòi bố mẹ nữa” - chị Anh cho biết. 

Đợt Tết này, để tránh nguy cơ làm lây dịch bệnh cho người nhà cũng như các con, mặc dù mang bầu vào những tháng cuối thai kỳ, vợ chồng chị Anh dự định đi bằng xe máy về nhà. “Đi ôtô khách sẽ có nguy cơ tiếp xúc với người bị bệnh, trong khi đi xe máy, vợ chồng tôi không tiếp xúc với ai, nên tôi yên tâm hơn” - chị Anh nói.  

“Tết Dương lịch được nghỉ ít nên tôi không về quê. Còn Tết Âm lịch, công ty đã thông báo được nghỉ 9 ngày. Tôi rất mong ngóng đến ngày nghỉ để có được nhiều ngày gặp các con”- chị Anh chia sẻ. Những ngày Tết, chị Anh dự định chủ yếu ở nhà cùng các con, hạn chế đi lại để đề phòng dịch bệnh. 

Một năm không được gặp con 

Theo tìm hiểu của phóng viên, bên cạnh những trường hợp gia đình công nhân có con ở cùng, thì nhiều gia đình đang phải gửi con về quê. Bình thường, họ đã ít khi được gặp con, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, họ lại càng ít được về quê để gặp các con hơn.  

Chị Triệu Thị Uyên, công nhân một công ty điện tử tại Khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã không được gặp con gần 1 năm nay. Nữ công nhân sinh năm 1998 này quê ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. “Dịch COVID-19 nên tôi không thể sang Trung Quốc làm việc như trước, ở quê lại khó kiếm việc, nên tôi đành để con còn nhỏ ở quê, nhờ ông bà trông rồi xuống Bắc Giang làm công nhân” - chị Uyên nói. 

Thời điểm Bắc Giang bùng phát dịch COVID-19, cuộc sống chị Uyên gặp rất nhiều khó khăn. 4 khu công nghiệp tại tỉnh này phải đóng cửa, khu nhà trọ nơi chị sống - thôn Trung Đồng, xã Vân Trung, huyện Việt Yên - cũng bị phong toả. 

Sau khi nơi chị ở trọ hết phong toả, chị cũng chưa có dịp trở về quê gặp con bởi bị cuốn theo công việc. Quê ở xa, nếu chỉ về 1, 2 ngày thì không có nhiều thời gian gần con. Hơn nữa, chị Uyên phải cố gắng làm việc, tăng ca để kiếm thêm thu nhập, bù lại cho những tháng phải nghỉ làm, mong có một khoản tiền tiêu Tết. “Ngoài ra, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, tôi e ngại nếu về quê nhỡ đâu lại có nguy cơ lây bệnh cho ông bà, con” - chị Uyên chia sẻ. 

Chị mong Tết Âm lịch sớm đến để chị có thể về quê trong nhiều ngày, gặp con, bù đắp phần nào sự thiếu thốn tình cảm của con trong gần 1 năm vừa qua. Sau Tết, chị lại phải xa con đằng đẵng để tha hương mưu sinh…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn