MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu nhập thấp, công nhân lựa chọn mua thực phẩm tại các chợ tự phát vì giá rẻ. Ảnh: Phương Ngân

Công nhân mua thực phẩm tại chợ tạm vì giá rẻ

Phương Ngân LDO | 08/11/2022 06:00
Thu nhập thấp, nên nhiều công nhân lựa chọn thực phẩm giá thành rẻ, hợp túi tiền cho bữa cơm của gia đình mình. Hầu hết bữa cơm của công nhân lao động chỉ có hai món cơ bản là món kho và món canh hoặc rau luộc.

Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi tìm đến nơi sinh sống của các công nhân làm việc tại Công ty TNHH Tỷ Hùng (Công ty Tỷ Hùng), quận Bình Tân (TPHCM). Đây là công ty vừa thông báo cắt giảm gần 1.200 lao động từ ngày 1.12.2022.

Căn phòng trọ chật hẹp trên đường số 2, khu dân cư Hồ Bắc, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, là nơi sinh sống của 4 thành viên trong gia đình chị Nguyễn Thị Thu (quê Ninh Thuận).

Cách đây 18 năm, chị Thu xin vào công ty Tỷ Hùng để làm việc, mức lương ở thời điểm đó hơn 600.000 đồng/tháng, đến nay, chị Thu nhận được hơn 8 triệu đồng/tháng. Những tưởng sẽ gắn bó với công ty thêm nhiều năm nữa, nhưng bất ngờ Công ty Tỷ Hùng ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động để thu hẹp sản xuất.

Gia đình chị Thu đang nuôi hai con nhỏ nên vô cùng khó khăn. Mỗi tháng, riêng tiền thuê trọ, tiền học của các con tiêu tốn 6 triệu đồng, chưa kể tiền ăn uống, đi lại và các khoản chi khác. “Lương công nhân mỗi tháng chỉ vừa đủ lo cho cuộc sống hằng ngày và hai con đi học, tháng nào ốm đau thì thiếu hụt, phải ăn trước trả sau” - chị Thu chia sẻ.

Cách phòng trọ của chị Thu khoảng 100m, chị Tôn Thị Sen - công nhân Công ty Tỷ Hùng ngồi đăm chiêu, lo lắng về những ngày sắp tới. “Công ty khó khăn cắt giảm lao động thì mình đành chịu. Có điều Tết tới nơi không nơi nào nhận để xin việc. Bình thường lương công nhân thấp chỉ vừa đủ chi tiêu, giờ thất nghiệp càng khó hơn” - chị Sen nói trong tiếng thở dài.

16h30, công nhân Công ty Tỷ Hùng bắt đầu tan ca, chị Thu len lỏi qua đám đông để kịp giờ đi chợ và đón con. Đi hơn 5km từ công ty về đến chợ Bờ Ngựa, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh - gần nơi chị ở để mua thức ăn về nấu cơm chiều. Chị Thu mua bên đường con cá lóc và bó rau lang, giá hơn 60 nghìn đồng.

Một nồi cá kho và đĩa rau luộc là bữa cơm của 4 thành viên trong gia đình chị Thu. “Bữa ăn của công nhân đơn giản vì thu nhập thấp. Tôi thường chỉ nấu hai món, một món mặn với canh hoặc rau luộc. Đi chợ tôi chỉ chọn thứ nào rẻ rồi mua chứ cũng không quan tâm đến chất dinh dưỡng lắm. Tôi chấp nhận mua hàng ở chợ cóc bên lề đường, biết là vệ sinh không đảm bảo nhưng giá rẻ” - chị Thu bộc bạch.

Cũng như chị Thu, chị Chi - công nhân Công ty Freetrend (TP.Thủ Đức) cũng chọn thực phẩm tại chợ cóc để tiết kiệm chi phí. “Tan ca tôi thường ghé qua chợ cóc gần công ty để mua đồ về nấu ăn. Cơm chiều, tôi và 2 người cùng phòng đi chợ khoảng 50 nghìn đồng. Mua ở chợ cóc giá rẻ, về rửa thật kỹ chắc không có vấn đề gì...” - chị Chi chia sẻ.

Đường Nguyễn Thị Diệp, phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức, giờ tan tầm, nhiều công nhân đổ ra đường ghé vào các điểm bán thực phẩm tươi sống được bày bán giữa đường. Dù xe cộ qua lại đông đúc đầy khói bụi nhưng thực phẩm vẫn được đổ đống bên đường, chỉ có tấm bạt trải.

Dừng lại tại một sạp bán rau củ, bà Nguyễn Thị Cúc, công nhân tại một công ty trên địa bàn TP.Thủ Đức, lựa trái bầu, vài cọng hành lá và ghé sang sạp bên cạnh để mua vài quả trứng gà. Bữa cơm chiều của bà chỉ có vỏn vẹn có trứng và bầu luộc.

“Tôi thấy người ta ghé mua nhiều nên mình cũng mua, còn nguồn gốc, chất lượng thì không biết. Đôi lúc mua con cá, bó rau tôi thấy không được tươi nhưng cũng phải chấp nhận vì giá rẻ” - bà Cúc nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn