MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu nhà ở thuộc Dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Lương Hạnh

Công nhân “ngại” thuê nhà ở xã hội

LƯƠNG HẠNH LDO | 07/08/2023 07:07

Mặc dù có những cơ chế ưu đãi như giá thuê thấp, xét đến đặc thù đối tượng thuê là công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, các điều kiện sinh hoạt thiết yếu của cuộc sống người lao động tại Dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân chưa được đáp ứng đầy đủ. Việc này khiến công nhân “ngại” thuê nhà ở và khó chạm vào ước mơ “an cư lạc nghiệp”.

Hạ tầng xuống cấp

Theo ghi nhận của phóng viên vào sáng ngày 6.8, khu nhà ở thuộc Dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội được xây dựng trên diện tích đất 20ha, với thiết kế được phê duyệt bao gồm 28 đơn nguyên nhà.

Cụ thể, có 24 đơn nguyên nhà cao 5 tầng (với 1.084 căn hộ phục vụ 9.168 chỗ ở thuê); 4 đơn nguyên nhà cao 15 tầng (với 448 căn hộ phục vụ 2.352 chỗ ở thuê).

Thực tế cho thấy, hạ tầng kỹ thuật ở khu nhà ở hiện xuống cấp không được sửa chữa, bảo trì thường xuyên, đồng bộ gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường, cảnh quan khu nhà và ảnh hưởng đến việc đi lại của công nhân sống trong khu nhà như: Bồn hoa, cây cảnh, sân, hệ thống thoát nước mưa, nước bẩn ngoài nhà. Các điều kiện sinh hoạt thiết yếu của cuộc sống người lao động chưa được đáp ứng đầy đủ như: Đồng lương thấp, giá thành lại cao, trường học các cấp còn thiếu, trạm y tế, thiếu thuốc men gây khó khăn...

Hơn nữa, quỹ nhà ở công nhân là dự án thí điểm với mô hình kiến trúc cũ, đầu tư xây dựng thấp dẫn tới việc các tòa nhà nhanh xuống cấp, thiết bị hư hỏng nhiều nhưng không được sửa chữa, thay thế kịp thời gây bất cập, bức xúc cho người sử dụng.

Với trách nhiệm là đơn vị quản lý, ông Bùi Quốc Dũng - Trưởng phòng Quản lý tái định cư và nhà xã hội (Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) nhận định, mặc dù được thiết kế, xây dựng cung cấp chỗ ở phù hợp cho các đối tượng: Đơn thân (phòng ở tập thể), hộ gia đình (căn hộ khép kín) - song các thiết kế này mới chỉ đáp ứng được chỗ ngủ, nghỉ; chứ chưa mang tính hấp dẫn, chưa đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày: Nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, hạ tầng xã hội...

Ngại thuê, khó mua nhà ở xã hội

Chị Đặng Thị Thu Huệ (40 tuổi, quê Thái Bình) đã có 17 năm làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Năm 2015, sau khi biết đến dự án trên, chị Huệ hoàn tất các thủ tục để được vào khu nhà ở này. Căn hộ có diện tích khoảng 75m2 với giá thuê 1,6 triệu đồng/tháng đã bao gồm các khoản điện, nước. Tuy nhiên, khi được hỏi về nhu cầu sở hữu một căn nhà ở xã hội tại đây, chị Huệ lắc đầu.
“Mua được một căn nhà trong khi tình hình kinh tế khó khăn, việc làm bấp bênh với chúng tôi là gần như không thể” - chị Huệ tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Tám - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh - cho biết, các khu công nghiệp trên địa bàn huyện bao gồm: Khu công nghiệp Thăng Long, Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Nguyên Khê… với trên 4.000 doanh nghiệp; 22.4000 công nhân đang thuê trọ. Riêng xã Kim Chung có khoảng 800 nhà dân có cho thuê trọ và rải rác ở các xã lân cận như: Kim Nỗ, Đại Mạch, Võng La, Hải Bối…

“Đa số người lao động đều sinh hoạt trong điều kiện chật chội, khó khăn. Những chỗ Nhà nước làm để cho công nhân thuê, tại sao vẫn còn chỗ nhưng họ lại không thuê? Bởi vì, việc này liên quan đến thu nhập của công nhân. Nhà ở khang trang nhưng giá thuê cao trong khi lương thấp, nhiều khoản chi tiêu như con cái, gửi về quê cho bố mẹ dưỡng già…” - bà Tám nhận định.

Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, nhu cầu nhà ở cả thuê và mua của công nhân là cấp bách nhưng còn nhiều bất cập. Bà An đề xuất, cần thiết phải có quỹ để làm nhà cho công nhân thuê, đảm bảo chỗ ở để họ yên tâm làm việc, sau đó mới đến rao bán.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn