MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ công nhân xin nghỉ việc công ty về chăn nuôi rồi lại phải quay về “nghề cũ” vì thua lỗ. Ảnh: Minh Hương

Công nhân nghỉ việc quay lại vì mức lương ổn định

Minh Hương LDO | 29/03/2022 10:30
Trao đổi với PV Lao Động, một cán bộ Công đoàn khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, có nhiều lý do khiến nhiều người bỏ làm công nhân sau đó quay trở lại làm việc. Sâu xa, tất cả vì miếng cơm manh áo và doanh nghiệp trả lương tuy không cao, nhưng ổn định.

Bắt đầu lại... từ đầu

Cũng theo vị cán bộ này, hiện nay, trình độ của công nhân chưa đồng đều. Chẳng hạn trong cùng một khu công nghiệp, nếu doanh nghiệp khác có thu nhập và phúc lợi cao hơn, một số công nhân sẽ sẵn sàng chuyển sang nơi mới làm việc. Hoặc ở các tỉnh hầu như đều có khu công nghiệp, công nhân cũng sẽ so sánh chi phí thuê nhà, gần gũi gia đình, việc học của con rồi chuyển về quê làm công ty. Cũng có trường hợp quyết tâm nghỉ hẳn làm công nhân, rút bảo hiểm xã hội 1 lần, sau đó lại xin đi làm công ty vì mong muốn có mức lương ổn định...

Chị Phạm Thị Thắm làm công nhân một công ty may mặc ở Thanh Hoá được hơn 3 năm. Tuổi ngoài 40, sức khoẻ giảm sút nên chị Thắm quyết định nghỉ việc vào đầu năm 2021. Có chút vốn liếng sau những năm làm công nhân, chị Thắm quyết định lập trang trại chăn nuôi lợn, gà, cá. Gần đến cuối năm, đàn lợn mà chị đầu tư nhiều công sức, tiền bạc chết gần hết vì dịch bệnh.

“Vậy là công cốc. Số tiền đầu tư tôi phải vay thêm ngân hàng. Sau này muốn trả được nợ, tôi phải dùng đến tiền nhận bảo hiểm xã hội 1 lần” - chị Thắm nói.

Sau lần thất bại đó, chị Thắm hiểu rằng chăn nuôi không đơn giản, như chị, cá đến lứa bán rẻ cũng ít người mua, gà thì hay bị mất. Có lần chị sụt hẳn 5kg vì suy nghĩ nhiều. Chị bàn với chồng việc sẽ xin đi làm công nhân nhưng anh không đồng ý vì lo lắng cho sức khoẻ của vợ.

Chồng làm thợ xây trong xóm, chị Thắm có 2 người con (1 người vừa tốt nghiệp đại học; 1 cháu đang học lớp 8). Giữ quyết tâm, ra Tết 2022, chị Thắm nộp hồ sơ xin vào công ty cũ làm việc. “Đằng nào cũng vất vả. Đi làm công nhân nhiều thứ gò bó, thu nhập cũng chỉ gần 4 triệu đồng nhưng ổn định. Tôi đang bắt đầu lại từ đầu...” - chị Thắm chia sẻ.

Quay lại làm công nhân, mệt nhưng... nhẹ đầu!

Đã từng làm công nhân 6 năm ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), chị Nông Thị Ánh (quê Cao Bằng) từng chuyển 2 công ty vì nơi mới thu nhập cao hơn.

Giữa năm 2020, chị Ánh quyết định nghỉ việc, dùng tiền tích cóp được để đi học nghề nail.

“Tất cả cũng vì muốn tốt cho tương lai. Làm công nhân tăng ca tối ngày, thu nhập ở mức 7-8 triệu đồng. Bận rộn đến mức không có thời gian chăm lo cho bản thân và gia đình”, chị Ánh nói.

Chị Ánh chi 12 triệu đồng để học lớp nail cơ bản và nâng cao. Ngoài ra, chị đầu tư thêm bộ đồ nghề làm nail gần 30 triệu đồng. Gần 2 tháng học nghề thành thạo, chị Ánh vay thêm người thân để mở tiệm nail ở gần khu công nghiệp. Đầu năm 2021, chị lên kế hoạch thuê mặt bằng, sắm thêm vật tư, đến tháng 4.2021, tiệm nail rộng hơn 15m2 của chị đi vào hoạt động.

“Lúc đó tôi phấn khởi lắm, khách không đông nhưng cũng túc tắc. Tháng để ra được 5-6 triệu đồng” - chị Ánh nhớ lại.

Cửa hàng hoạt động được 1 tháng thì thành phố bắt đầu bùng dịch COVID-19, sau đó là giãn cách xã hội. Chồng chị làm thợ sơn ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) cũng phải tạm nghỉ việc. Chị Ánh điêu đứng vì lo tiền mặt bằng, thu nhập của 2 vợ chồng bị chững lại do dịch bệnh.

Tiền cửa hàng thuê trọ, chi phí sinh hoạt đều phải chi trả mỗi tháng trong khi tiền không biết kiếm đâu ra… Trằn trọc nhiều đêm, tôi quyết định sang nhượng toàn bộ cửa hàng” - chị Ánh nói.

Giải quyết xong chuyện cửa hàng, chị Ánh như được “giải phóng”. Gần cuối tháng 9.2021, chị nộp hồ sơ xin làm công ty. Đến nay, thu nhập của nữ công nhân khoảng 7 triệu đồng/tháng.

“Làm công nhân mệt nhưng nhẹ đầu. Có lẽ tôi chỉ làm công nhân được thôi. Đôi khi phải bỏ thứ hiện tại mới biết mình phù hợp với công việc gì nhất”, chị chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn