MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nhân, người lao động Bình Thuận tránh xa việc vay tín dụng đen

DUY TUẤN LDO | 06/06/2023 17:08

Vì cần một ít tiền để trang trải cuộc sống, nhiều công nhân, người lao động tại Bình Thuận tìm đến tín dụng đen. Hậu quả, họ phải trả số tiền ngày càng tăng; có trường hợp mất khả năng chi trả, họ bị các đối tượng cho vay tín dụng đen liên tục đe dọa...

Các tờ rơi mời chào "vay không lãi suất, giải ngân nhanh 5 phút", "alo có tiền", "hỗ trợ vay từ A đến Z" rải bay đầy lề đường, dán đầy cột điện tại Bình Thuận. Trong hoàn cảnh khó khăn đang thiếu tiền để trang trải cuộc sống, công nhân dễ bị thu hút bởi lời giới thiệu “thủ tục cho vay đơn giản”. Ngoài cho vay và giữ căn cước công dân, cho vay qua app, hiện nay, tín dụng đen còn biến tướng thêm hình thức cho vay và giữ tài khoản icloud của người vay.

Rải tờ rơi vay tín dụng đen trên đường. Ảnh: Duy Tuấn

Để gây áp lực, đe dọa người vay, các đối tượng cho vay tín dụng đen từng vào fanpage Công đoàn của một công ty tại Khu Công nghiệp Hàm Kiệm II, Bình Thuận để đăng các bình luận đòi tiền, bôi nhọ người vay.

Bình luận hình ảnh do các đối tượng tín dụng đen đăng tải để đòi nợ công nhân trên trang công đoàn công ty. Ảnh chụp màn hình

Như dưới 1 bài đăng tuyên truyền về nội dung tăng tiền lương xuất hiện tài khoản bình luận về thông tin cá nhân chị H.T.N.L kèm nội dung “mua điện thoại sau đó không chịu thanh toán và có ý định giật nợ”. Theo số điện thoại đăng tải, phóng viên đã liên hệ chị L. Chị L bất ngờ về thông tin trên, cho rằng, mình có mua điện thoại và vẫn trả tiền hằng tháng. Nội dung đòi nợ do Facebook bình luận không chỉ ở 1 bài viết mà còn bình luận ở nhiều bài viết khác trên trang.

Từ những hệ lụy liên quan đến tín dụng đen, trong các buổi đối thoại với ngành chức năng, nhiều công nhân, lao động Bình Thuận quan tâm và đặt câu hỏi về giải pháp vấn đề này.

Công nhân hỏi về giải pháp ngăn chặn tín dụng đen. Ảnh: Duy Tuấn

Về các giải pháp, đầu tiên phải kể đến ngân hàng. Theo ông Bùi Xuân Chỉnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận trong một buổi đối thoại với công nhân cho biết: Đầu tiên là ngân hàng phát triển rộng khắp mạng lưới tín dụng, nhiều chi nhánh, nhiều phòng giao dịch. Từ đó, người lao động có điều kiện tiếp cận vay ngân hàng, nhiều sự lựa chọn ngân hàng để vay.

Trên thực tế, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 25 ngân hàng cùng hệ thống chi nhánh trực thuộc, ngoài ra trên 10 công ty tài chính tiêu dùng. Đối với hoạt động tín dụng, ngân hàng cũng như các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng nhà nước quản lý chặt chẽ trong quá trình hoạt động. Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để giảm bớt thủ tục cho vay, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận.

Tránh xa các tờ rơi “cho vay tiền nhanh” trên đường, dán trên cột điện. Ảnh: Duy Tuấn

"Phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền các chính sách tín dụng để người dân nắm và tiếp cận tốt hơn. Đồng thời, trong quá trình hoạt động, nếu ngân hàng phát hiện các đối thủ cạnh tranh về tín dụng, cho vay nặng lãi thì sẽ phối hợp, cung cấp thông tin cho công an điều tra", ông Bùi Xuân Chỉnh nhấn mạnh.

Để phòng ngừa, ngăn chặn nạn "tín dụng đen" trong công nhân lao động, ngoài sự vào cuộc của lực lượng Công an, các ngành chức năng thì các công ty, doanh nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền tác hại tín dụng đen đến công nhân lao động.

Khi phát hiện tội phạm có dấu hiệu hoạt động "tín dụng đen", công nhân, người lao động cần kịp thời thông báo đến tổ chức công đoàn cơ sở hoặc lực lượng Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, bảo đảm an toàn, an tâm làm việc, lao động sản xuất góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại các công ty, doanh nghiệp và của địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn