MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu nhập thấp, nhiều gia đình công nhân phải chấp nhận thuê trọ tại nơi có môi trường ô nhiễm. Ảnh: Bảo Hân

Công nhân nhà trọ: Nguy cơ bệnh tật vì môi trường ô nhiễm

Bảo Hân LDO | 15/11/2022 06:00
Thu nhập thấp khiến nhiều công nhân làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) phải thuê trọ trong những căn nhà trọ chật chội với môi trường sống ô nhiễm. Không chỉ vậy, lối sống tạm bợ của nhiều công nhân khiến họ có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh.

Ở tạm bợ

Vợ chồng anh Nguyễn Hải Long (công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội) thuê 2 phòng trọ liền nhau tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Căn phòng rất chật hẹp, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hằng ngày, vì thế, khi có người ở phòng bên cạnh dọn đi, anh Long quyết định thuê lại. Một phòng vợ chồng anh để ăn, ở; phòng còn lại để chứa đồ đạc, vật dụng sinh hoạt, nấu ăn… 

Khu trọ này xây dựng đã lâu, hiện đã xuống cấp. Sàn nhà, mặt sân thấp hơn mặt đường nên mỗi khi mưa to, cả khu bị ngập. Không chỉ vậy, đường ống nước bị hỏng khiến khoảng sân trước cửa luôn trong tình trạng ẩm ướt, mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Không chỉ vậy, khu trọ này không có người dọn vệ sinh nên thường xuyên có rác bẩn, mùi hôi. Nhiều người trọ chỉ dọn ở trong phòng của mình mà không quan tâm đến không gian chung ở ngoài sân. 

“Biết là sống tại khu nhà trọ như này sẽ rất hại đến sức khoẻ, nguy cơ mắc sốt xuất huyết cao nhưng thu nhập của 2 vợ chồng thấp, khoảng 13-14 triệu đồng/tháng, hơn nữa tôi ở đây đã lâu nên ngại thay đổi” - anh Long cho hay. 

Dù có ý định chuyển nhà trọ đã lâu, nhưng vợ chồng trẻ này vẫn chưa thực hiện. “Nếu có các con ở cùng thì tôi sẽ chăm chút đến môi trường sống tại khu trọ hơn, nhưng do chỉ có 2 vợ chồng ở, lại đi làm suốt, chỉ về nhà khi đi ngủ, nên tôi chấp nhận tiếp tục ở đây. Căn phòng gần như chỉ là nơi để vợ chồng tôi nghỉ ngơi sau những giờ làm việc mệt mỏi tại công xưởng, chứ không phải là một ngôi nhà đúng nghĩa” - anh Long chia sẻ.

Sống chung với mùi hôi thối 

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 4 đến 11.11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.343 ca mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng 2,3% so với tuần trước đó. Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, một số nơi có số mắc cao như: Đống Đa (120 ca), Thanh Oai (98 ca), Phú Xuyên (95 ca), Hoàng Mai (94 ca). Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 12.059 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong. 

Mặc dù tình hình sốt xuất huyết tại Hà Nội có chiều hướng gia tăng, nhưng cũng giống với gia đình anh Long, gia đình chị Nguyễn Thị Vân (thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh) vẫn phải chấp nhận tiếp tục sống trong môi trường ô nhiễm. 

Sát bên cạnh phòng trọ của chị Vân là một lò mổ, thường xuyên có nước bẩn hôi thối chảy gần ngay sát phòng trọ. Người lạ chỉ cần đứng một lúc đã khó chịu, trong khi đó, gia đình chị Vân (gồm 4 người) đã sống tại khu vực này nhiều năm nay.  

“Sống lâu cũng thành quen nên tôi không thấy quá khó chịu. Nhiều lần bạn bè tôi giục chuyển nhà, nhưng do nhà quá nhiều đồ đạc nên tôi ngại chuyển. Nếu có mua nhà mới hoặc “hồi hương” thì tôi mới rời khỏi khu trọ này” - chị Vân phân trần.  

Căn phòng trọ của chị Vân rất tối tăm, ẩm thấp; các mảng tường đã lở lói. Ngồi phòng trọ của chị Vân một lát mà phóng viên không chịu nổi vì mùi hôi thối tạt vào. “Tôi cũng mong có một nơi ở sạch sẽ hơn, nhưng tôi đang mất việc, cả nhà tôi trông chờ vào đồng lương công nhân của chồng, nên không có nhiều lựa chọn về nơi ở. Thôi đành chấp nhận một thời gian nữa rồi tính” - chị Vân chia sẻ. 

Theo chị Vân, qua báo chí, chị nắm thông tin tại Hà Nội đang có những ổ dịch sốt xuất huyết. Chị rất lo lắng khu trọ của mình cũng sẽ có dịch bệnh nguy hiểm này. “Tôi luôn mắc màn cho cả nhà ngủ, nhưng ở trong môi trường ô nhiễm như này thì không chắc là có an toàn hay không, nhưng thôi, đến đâu hay đến đó” - chị Vân nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn