MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc được bày bán ở khu vực có đông công nhân, người lao động ở Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Linh

Công nhân ở Đà Nẵng dè dặt khi mua thực phẩm ven đường

Nguyễn Linh - Trần Thi LDO | 26/05/2024 14:43

Các điểm bán hàng tự phát tại khu vực có công nhân, người lao động như quận Liên Chiểu, quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) là nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động. Dẫu vậy vẫn có nhiều tiểu thương cố tình trốn tránh lực lượng chức năng để buôn bán.

Biết không đảm bảo vệ sinh thực phẩm nhưng vẫn mua

Nhà của chị Hoàng Thị Trà (tên nhân vật đã được thay đổi), công nhân tại khu công nghiệp, nằm trong khu chung cư nhà ở xã hội Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) - cạnh bên khu công nghiệp Hòa Khánh.

Chị Trà thường đi chợ khi tan ca. Cứ hai ngày chị Trà chị chợ một lần.

Gần nơi ở của chị Trà có các sạp, hàng quán bán thực phẩm, nhu yếu phẩm ven đường nhưng chị vẫn quyết định không mua nhiều thực phẩm tại đây vì lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tuy vậy trong quá trình ăn uống, sinh hoạt, đôi khi bất khả kháng chị vẫn phải mua tạm ở hàng ven đường.

“Dù biết không đảm bảo vệ sinh nhưng mỗi khi tăng ca về muộn thì cũng đành phải mua tạm đồ ăn ở gần nhà cho kịp giờ đưa đón con”, chị Hoàng Thị Trà nói.

Quận Liên Chiểu là khu vực có đông công nhân sinh sống nhưng hầu hết công nhân ở đây chọn mua thực phẩm ở chợ Hòa Khánh, chợ Thanh Vinh thay vì mua ở các hàng quán tạm ven đường để đảm bảo an toàn vệ sinh.

Chị Thương, cũng là công nhân tại khu công nghiệp Hòa Khánh thường lựa chọn mua sắm thực phẩm tại các cửa hàng, siêu thị tiện lợi. Dù giá cả ở các cửa hàng có đắt hơn so với hàng hóa ở chợ nhưng vì ở đây các loại thực phẩm như thịt, cá thường tươi và được kiểm nghiệm, có nhãn mác nên phần nào cũng an tâm hơn khi sử dụng cho trẻ em.

“Cũng có nhiều người thường mang thực phẩm ở quê ra đây để bán tôi cũng không dám mua vì sợ không đảm bảo vệ sinh”, chị Thương nói.

Chợ tạm ở khu vực công nhân tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Nguyễn Linh

“Trốn” lực lượng chức năng để buôn bán

Thực tế, các điểm bán hàng tự phát, chợ tạm này chính là nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm cho công nhân. Các mặt hàng này không được kiểm nghiệm, không có nhãn mác, không nguồn gốc tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, các mặt hàng này lại có giá thành thấp, rẻ hơn so với các mặt hàng trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Chính vì vậy các thực phẩm này cũng được nhiều công nhân lựa chọn để mua sắm.

“Các loại rau, củ chủ yếu là hàng ở quê mang ra nên đảm bảo an toàn”, một tiểu thương cho biết.

Đây cũng là lời cam kết duy nhất về chất lượng thực phẩm cho các mặt hàng được bày bán ở ven đường.

Tại đường Âu Cơ (đoạn song song với đường số 4, Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu), tiểu thương của một sạp hàng buôn bán rau, củ, nhu yếu phẩm được nhiều công nhân lựa chọn cho biết, khi buôn bán ở đây thường xuyên gặp lực lượng chức năng đi kiểm tra.

Mỗi lần như vậy là những tiểu thương phải di dời đi nơi khác để buôn bán. Dù biết không được phép buôn bán ở khu vực này nhưng vì mưu sinh nhiều tiểu thương vẫn chọn bày bán ở đây bằng cách “canh” lực lượng chức năng.

Không những vậy, ngoài vấn đề về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, việc buôn bán ở vỉa hè còn khiến khu vực này mất trật tự giao thông do không có người quản lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn