MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị về vấn đề nợ lương, bảo hiểm xã hội... Ảnh Tô Thế.

Công nhân phản ánh doanh nghiệp còn nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội

ANH THƯ LDO | 13/06/2022 11:08
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vẫn còn một bộ phận người sử dụng lao động chưa chấp hành nghiêm các quy định pháp luật như chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, nợ lương...

Tại Chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân lao động năm 2022 diễn ra sáng 12.6, công nhân Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1981) - Công ty Cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc nêu, hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật của một số chủ doanh nghiệp còn diễn ra nhiều.

"Dịp gần Tết Nguyên đán vừa qua, công ty nơi bạn tôi làm việc chủ bỏ trốn, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội nên công nhân không có lương và thưởng Tết. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tranh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động như không ký hợp đồng lao động; nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội; vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, thời giờ làm việc… để chúng tôi yên tâm làm việc" - công nhân này nêu kiến nghị.

Về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp yêu cầu Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, trong những năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có người sử dụng lao động và người lao động có sự gắn bó. Trong lúc thuận lợi, hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt thì họ cùng hưởng. Thời gian vừa qua, dịch bệnh, thiên tai, doanh nghiệp và người lao động cùng chia sẻ với nhau.

Bên cạnh đó, còn một bộ phận người sử dụng lao động chưa chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, bao gồm pháp luật về lao động, Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Bảo hiểm, Bảo hiểm thất nghiệp, Luật An toàn vệ sinh lao động.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chỉ ra rằng, thời gian qua, các địa phương đã cố gắng kiểm tra, giám sát và xử lý nhiều vi phạm. Hệ thống pháp luật cơ bản hoàn thiện bảo vệ quyền lợi của người lao động.

"Tuy nhiên, việc chấp hành còn những điều chưa tốt, ví dụ tình trạng nợ lương, thưởng, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, thậm chí cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng rơi vào tình trạng này" - ông Dung nhấn mạnh.

Đoàn Chủ toạ điều hành đối thoại bắt đầu đối thoại với công nhân, người lao động. Ảnh Hải Nguyễn

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lấy ví dụ, gần đây, một địa phương Bắc Trung Bộ có vài trăm doanh nghiệp, nhưng 1/4 doanh nghiệp vừa và nhỏ trốn đóng. Nhưng giữa hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội rất khó phân biệt. Luật hình sự quy định rất rõ, nếu trốn đóng bảo hiểm xã hội là xử lý hình sự. Nhưng chậm đóng, trốn đóng không rạch ròi. Khi kiểm tra, thanh tra, họ trao đổi là đang chậm đóng, chứ không trốn đóng. 

"Trên cơ sở đó, chúng tôi phối hợp với Hội đồng Thẩm phán bàn với nhau ra Nghị quyết số 05 hướng dẫn chi tiết vấn đề này. Chúng tôi tiếp thu, cố gắng công tác thanh tra, kiểm tra vi phạm" - ông Đào Ngọc Dung thông tin.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, vấn đề này nổi lên, giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với các bộ, ngành liên quan đánh giá tình hình chung trên phạm vi cả nước về tình hình, mức độ, nguyên nhân. Từ đó, rà soát lại quy định pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật ở các cấp, ngành và phân tích rõ nguyên nhân, sớm đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm. Liên quan đến luật pháp, cần đánh giá tác động, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền. 

"Vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, chúng ta xử lý ngay để đảm bảo lợi ích của người lao động. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, Bảo hiểm xã hội cùng các cơ quan liên quan khác tổ chức thực thi pháp luật cho thật nghiêm, bảo vệ lợi ích chung. Ai làm tốt thì khuyến khích, tổ chức mô hình, nhân rộng. Tinh thần giữ kỉ cương, kỉ luật, đồng thời động viên người làm tốt, giải quyết lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn