MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nhân Quảng Ngãi hầu như không có tiền tích lũy

VIÊN NGUYỄN LDO | 07/05/2023 18:07

Quảng Ngãi - Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Phúc Nhân - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương và Thường trực HĐND, UBND và một số cơ quan của tỉnh Quảng Ngãi. Cuộc họp nhằm nghe báo cáo và nắm bắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các khó khăn, vướng mắt, kiến nghị của tỉnh Quảng Ngãi trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Ông Nguyễn Phúc Nhân thông tin, hiện Quảng Ngãi có 188 công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp với hơn 44.500 đoàn viên/55.800 CNLĐ, chủ yếu tập trung ở khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi.

Nửa cuối năm 2022, do ảnh hưởng nhiều yếu tố dẫn đến đơn hàng của các doanh nghiệp sụt giảm, công nhân, lao động mất việc làm, giảm giờ làm...

Đến đầu năm 2023, tình hình có khả quan hơn, một số doanh nghiệp tuyển dụng lại lao động (khoảng 3.000 lao động), tổ chức tăng ca, tuy nhiên một số ngành thuỷ sản, may mặc, dăm gỗ, thép vẫn còn khó khăn.

Nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống có xu hướng ngày càng tăng trong khi thu nhập của CNLĐ còn thấp nên chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu (bình quân 7,6 triệu đồng/người/tháng nhưng có sự chênh lệch lớn giữa các ngành nghề).

Ông Nguyễn Phúc Nhân - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi nêu ra các khó khăn về thu nhập, đời sống sinh hoạt... của công nhân ở Quảng Ngãi. Ảnh: Ngọc Viên

Chị Võ Thị Minh Châu, làm việc tại khu công nghiệp Vsip chia sẻ: “Tôi bắt đầu làm công nhân ở khu công nghiệp Vsip từ tháng 6.2022, mỗi ngày làm 8h, nhưng mức lương vỏn vẹn 3,9 triệu đồng/tháng. Nếu tăng ca và phụ cấp thêm thì được khoảng 6,5 triệu đồng/tháng. Hiện hằng tháng thu nhập chỉ 5 triệu đồng.

Vì xa nhà, phải thuê trọ, giá tiện trọ, điện, nước hằng tháng đã “ngốn” hơn 1 triệu đồng, nên không có tiền tích lũy. Đi chợ mua bó rau cũng tính toán chi li từng tí, vậy mà vẫn thiếu trước hụt sau, thiếu thốn đủ đường”.

Ông Nguyễn Phúc Nhân - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tại Quảng Ngãi, tình trạng nợ lương, nợ BHXH vẫn còn xảy ra làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Nếu tình trạng kéo dài dễ gây bức xúc dẫn đến tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công (một số đơn vị còn nợ lương, nợ BHXH như: Công ty TNHH Cơ khí và Xây dựng Chiến Thắng, Công ty cổ phần Cơ khí và Xây lắp An Ngãi...).

Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tại tỉnh Quảng Ngãi hiện có 241 dự án của 201 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với khoảng 65 nghìn lao động.

Tuy nhiên, chỉ có một số doanh nghiệp lớn đầu tư nhà ở cho công nhân với trên 1.600 căn hộ. Còn lại, hầu hết công nhân ở các doanh nghiệp khác phải tự thuê nhà, phòng trọ để sinh sống.

Đa số CNLĐ ở khu kinh tế, các khu công nghiệp đi làm xa nhà nên tốn chi phí trong sinh hoạt hàng, do đó, hầu như không còn tiền tích lũy và đầu tư học tập nâng cao trình độ. Vì vậy, CNLĐ mong muốn được thuê nhà ở xã hội với giá phù hợp để giúp họ giảm bớt chi phí.

Sống xa nhà, thu nhập lại thấp, nhưng phải thuê nhà trọ với giá đắt đỏ, khiến đời sống công nhân ở Quảng Ngãi khó khăn. Ảnh: Ngọc Viên

Ông Nguyễn Phúc Nhân kiến nghị, Quốc hội tạo điều kiện thuận lợi để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khởi công Thiết chế Công đoàn tại xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh (4,05 ha) trong năm 2023.

Triển khai, hỗ trợ kịp thời cho trẻ em mầm non là con công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8.9.2020 của Chính phủ. Quy định những điều kiện, nội dung cụ thể và chế tài để ràng buộc trách nhiệm của địa phương doanh nghiệp và chủ đầu tư trong việc quy hoạch, xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế gắn liền với việc xây dựng nhà trẻ, nhà ở cho công nhân.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn KCN VSIP KCN Tịnh Phong và KKT Dung Quất, nhất là hệ thống đường gom tại các KCN nhằm giảm tải cho Quốc lộ 1A, hạn chế tai nạn giao thông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn