MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường Mầm non Sơn Ca là một trong số ít những trường mầm non công lập tại khu vực Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng). Ảnh: Nguyễn Linh

Công nhân quay “như chong chóng” vì nỗi khổ thiếu nhà trẻ gửi con

Nhóm PV LDO | 08/09/2023 13:02

Cùng với nhu cầu về nhà ở, thiết chế văn hóa, nhu cầu tìm nhà trẻ cũng là một vấn đề được nhiều công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, không ít công nhân phải khốn khổ tìm nơi gửi con trẻ, thậm chí phải tính đến phương án tạm nghỉ việc để trông con.

Thiếu nhà trẻ, trường mầm non công nhân gặp khó

Chị Trần Thị Lan (quê ở thị trấn Thuận An, tỉnh Thừa Thiên -

Huế) hiện đang ở trọ trên đường Đặng Chiêm (TP Đà Nẵng), gần Khu công nghiệp Hòa Khánh, hiện có 3 con nhỏ, hai con lớn đã vào học tiểu học, con út năm nay đi học mầm non. Tuy nhiên, thay vì chọn trường mầm non công lập để gửi con, chị Lan phải cho con đi học ở một lớp mầm non tư thục gần nhà. “Tôi gửi mầm non tư thục để nếu tăng ca về trễ cũng có thể đón con” - chị Lan nói.

Với học phí hơn 1.400.000 đồng/tháng bao gồm tiền ăn sáng, ăn xế và ăn chiều, vợ chồng chị Lan có thể xoay sở được. Tuy nhiên, đây cũng là một khoản chi lớn so với số tiền lương hơn chục triệu đồng/tháng của vợ chồng chị.

Trong Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân lao động hồi tháng 5 vừa qua, chị Lê Thị Phước Lài - CĐ Trường Mầm non Tiểu My, quận Liên Chiểu - cho biết, tại các khu công nghiệp, lao động trẻ, nhập cư là khá cao, kéo theo nhu cầu về nhà trẻ, mẫu giáo rất lớn. Tuy nhiên, hiện số lượng nhà trẻ, trường mầm non công lập trên địa bàn khu công nghiệp quá ít ỏi.

Được biết, trường mầm non công lập tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu về nhà trẻ của công nhân, còn lại hầu hết các công nhân đều phải gửi trẻ ở các lớp mầm non tư thục.

Con vừa bước sang tuổi thứ 3, chị Lê Hồng Diễm (công nhân làm việc tại khu công nghiệp Trà Nóc 2, phường Phước Thới, Quận Ô Môn, TP Cần Thơ) trăn trở: “Tôi dự định tìm nhà trẻ cho bé từ lúc 12 tháng tuổi nhưng vì chi phí đắt, đành nhờ mẹ ở quê lên trông. Gần đây, sức khỏe mẹ yếu nhiều nên tôi rất lo lắng bởi vẫn chưa tìm được nơi gửi con, trong khi công ty thường xuyên tăng ca”.

Đang mang thai ở tháng thứ 4 và cũng trăn trở chuyện nhà trẻ cho con, chị Huỳnh Thi (công nhân tại khu công nghiệp Trà Nóc 2) cho hay: “Sinh đứa đầu tiên, tôi may mắn vì có chị gái lên trông đến lúc bé học mẫu giáo. Lần này chồng tôi nói tôi ở nhà trông con đến khi học mẫu giáo nhưng nếu chỉ chồng tôi đi làm sẽ không gánh nổi chi phí cho cả gia đình”.

Chị Cao Thị Trinh - CN bộ phận kiểm hàng của Công ty TNHH SX TM DV Long Cương, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh - cho biết, gia đình chị (hai vợ chồng và hai con nhỏ, một 10 tuổi, một 3 tuổi) đang ở trọ tại phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức. Với con 3 tuổi, chị phải gửi ở một trường mầm non tư thục vì không thể xin được vào trường công lập. Hằng ngày, 16h30 chị phải đón con về, những ngày phải tăng ca, chị phải trả thêm tiền cho cô giáo để giữ con. Chi phí gửi con tốn 2,5 triệu đồng/tháng, chiếm khoảng 25% - 30% thu nhập.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ công nhân

Nhận thấy khó khăn trong việc tìm kiếm nhà trẻ của công nhân, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (TP Cần Thơ) đã cho xây dựng nhà trẻ trong khuôn viên của công ty. Nhà trẻ giữ trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi; bé từ 6 - 12 tháng được miễn phí hoàn toàn, bé từ 12 tháng trở lên chỉ đóng tiền ăn.

“Đối với nhóm trẻ dưới 36 tháng tuổi, chúng tôi quan tâm rất chu đáo để các mẹ an tâm công tác. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch nâng độ tuổi miễn phí tại nhà trẻ này”, ông Võ Thanh Hùng - Chủ tịch Công đoàn Cơ sở Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang - cho biết.

Công ty PouYuen là một trong số rất ít doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM có xây nhà trẻ dành cho con CN của công ty. Hiện nhà trẻ có thể chăm sóc trên 550 cháu. Hằng tháng, CN chỉ phải đóng tiền ăn cho các cháu (1,2 triệu đồng/tháng/cháu).

Ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch CĐ Công ty PouYuen Việt Nam - cho biết, công ty cũng phải đưa ra các tiêu chí để CN được gửi con trong nhà trẻ của trường.

Theo bà Phan Thị Thiện - Chủ tịch CĐ Công ty Long Cương, CN phải gửi ở các trường tư thục, nhóm trẻ thì chi phí gửi một cháu chiếm từ 20 - 25% thu nhập một tháng của NLĐ.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Liên - Trưởng ban Nữ công LĐLĐ TPHCM - cũng cho rằng, để hỗ trợ CN gửi con, thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trường lớp mầm non; có chính sách ưu đãi để khuyến khích xã hội hóa trong việc đầu tư phát triển các trường lớp mầm non ngoài công lập tại các khu vực có đông CNLĐ.

Tiếp tục nghiên cứu, chỉ đạo và cho phép tổ chức giữ trẻ ngoài giờ theo Quyết định 4243/QĐ-UBND của UBND TPHCM cho phù hợp với đặc điểm làm thêm giờ của CNLĐ và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất. Đặc biệt tiếp tục có chính sách hỗ trợ học phí cho con CNLĐ khó khăn...

“Với điều kiện thu nhập và nhà ở hiện nay, việc CNLĐ gửi con về quê cho ông bà chăm sóc ảnh hưởng rất lớn đến tình mẫu tử cũng như tâm lý cha mẹ, sức khỏe con trẻ. TPHCM cần có chính sách phát triển nhà ở xã hội cho CNLĐ thu nhập thấp được tiếp cận thuê, mua trả góp và quy hoạch xây dựng khu vui chơi, giải trí miễn phí cho con CNLĐ” - bà Liên nói.

Hỗ trợ học phí, giữ trẻ ngoài giờ để hỗ trợ công nhân

Cô Trần Thị Lan - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Việt Anh (quận Liên Chiểu) - chia sẻ: “Trường đóng chân tại địa bàn ngay sát Khu công nghiệp Hòa Khánh nên trong năm học mới 2023 - 2024 có hơn 50% học sinh là con em công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất theo học”. Theo cô Lan, mỗi cháu là con công nhân sẽ nhận được mức hỗ trợ là 200.000 đồng/trẻ/tháng. Ngoài ra, Trường mầm non Việt Anh cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ để phụ huynh là công nhân yên tâm tăng ca làm việc.

* Bà Vũ Thế Vân - Chủ tịch CĐ các KCX&CN TPHCM - cho biết, trong các KCX&CN của TPHCM không có nơi nào xây nhà trẻ cho con CN mà chỉ có các trường mầm non tư thục gần đó. CN phải gửi con trong các trường tư thục, nhóm trẻ hoặc phải gửi con về quê cho ông bà chăm sóc. Có một thực tế buồn là khi đi vào các khu nhà trọ của CN rất ít thấy trẻ con vì hầu hết CN phải gửi con về quê. “Vấn đề khó nhất hiện nay là quỹ đất để dành xây nhà trẻ dành cho con CN. Vì vậy, để hỗ trợ cho CN gửi con thì phải có quỹ đất để xây trường” - bà Vân kiến nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn