MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong căn nhà có hầm chứa hơn 2 tấn vũ khí dùng để tấn công địch trong dịp Tết Mậu thân 1968. Ảnh: N.D

Công nhân Sài Gòn – Gia Định trong chiến dịch Mậu Thân

TS LDO | 30/01/2018 07:00
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 có vai trò rất lớn của giai cấp công nhân lao động (CNLĐ) ở các nhà máy. Báo Lao Động xin được trích dẫn bài viết của Ban Chấp hành LĐLĐ TPHCM khi khảo cứu về sự kiện này. Tiêu đề bài viết, các tiêu đề phụ trong bài do Báo Lao Động đặt.

Đấu tranh để được tăng lương đồng loạt

Quán triệt nghị quyết của Trung ương Cục và sự chỉ đạo của Liên hiệp Công đoàn Giải phóng miền Nam Việt Nam, từ cuối 1967 đầu 1968, phong trào đấu tranh của CNLĐ miền Nam diễn ra rầm rộ, sôi nổi.

Năm 1968 được mở đầu bằng cuộc bãi công ngày 11.1.1968 của 3.500 công nhân (CN) điện, nước (công quản) chống cúp lương. Lượng điện cung cấp cho thành phố giảm đi phân nửa, nhiều ngành sản xuất ngưng trệ. Địch lùng bắt giam một số CN và cho quân đội chiếm đóng các nhà máy điện Chợ Quán và Thủ Đức. Ngày 12.1.1968, 5.000 CN cảng bãi công hưởng ứng CN điện, nước. Quân đội Mỹ lại điều một số đơn vị lên cảng bốc dỡ hàng hóa nhưng không phá được cuộc bãi công của CN ta. Ngày 13.1.1968, địch cho cảnh sát sục sạo vào các xóm lao động với lệnh trưng dụng, gom bắt những CN điện, nước; CN bốc dỡ. Ngày 15.1.1968, có thêm 5.700 CN xe buýt, dệt, cao su và diêm quẹt bãi công hưởng ứng CN điện, nước và CN cảng. Đến ngày 16.1.1968, tổng số CN bãi công bao gồm các ngành: Điện, nước, cảng, vận tải công cộng, dệt, cao su, diêm quẹt, nhà máy xay, xăng dầu Shell, Caltex, Esso... lên đến 17.000 người. Chính quyền ngụy thấy nguy cơ bãi công lan rộng, mặc dù chúng đã dùng những biện pháp mạnh nhưng không hiệu quả nên vội vàng chấp nhận yêu sách của CN, tăng lương đồng loạt 12%.

Ở Sài Gòn - Gia Định, trọng tâm của cuộc tổng tấn công và nổi dậy ở miền Nam, Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam đã tham gia xây dựng các vùng lõm chính trị, xây dựng các cơ sở ngay trong lòng địch, tạo nên chỗ đứng chân, nguồn cung cấp hậu cần và bổ sung lực lượng cho các đơn vị biệt động và quân giải phóng. Theo chủ trương của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, các cơ sở thuộc các ngành nghề trước đây do Ban Công vận nắm, nay giao cho quận, huyện lãnh đạo để khởi nghĩa ở địa bàn dân cư. Riêng bộ phận công vận nội thành phải trực tiếp lãnh đạo nổi dậy ở một số cụm quan trọng như: Nhà đèn Chợ Quán, các cơ sở thuộc Xí nghiệp Hỏa xa, ngành Ô tô buýt, các khu vực như cư xá Đô Thành, Xóm lao động chuồng Bò…

Tuy nhiên, vào “giờ G.”, do có trục trặc, thông tin liên lạc không được thông suốt, lực lượng Ban Công vận có nhiệm vụ tiếp sức cho mũi đánh Nhà đèn Chợ Quán chờ mãi không thấy bộ đội ta vào nên đã chủ động chuyển sang tìm diệt ác ôn. Trên toàn địa bàn Sài Gòn - Gia Định, khi lực lượng vũ trang đánh chiếm 25 điểm trong thành phố, CN đã nổi dậy diệt trừ ác ôn, hoàn toàn làm chủ trận địa và bám trụ ở đấy, trở thành hậu cứ của lực lượng cách mạng trong cả 2 đợt tấn công.

Dù chịu tổn thất nhưng vẫn bùng lên mạnh mẽ

Giữa những ngày chiến đấu sôi động ấy, phong trào CN Sài Gòn - Gia Định phải gánh chịu 1 tổn thất nặng nề. Người lãnh đạo ưu tú của CN, Công đoàn Sài Gòn - Chợ Lớn là Trần Văn Kiểu - Ủy viên Ban chấp hành Khu ủy Sài Gòn - Gia Định kiêm Phó ban Công vận Sài Gòn - Gia Định bị địch bắt năm 1967 đã bị thủ tiêu vào ngày mùng 2 Tết Mậu Thân 1968 giữa Sài Gòn. Mặc dù vậy, phong trào đấu tranh của CN Sài Gòn - Gia Định đã không bị dập tắt mà trái lại càng bùng lên dữ dội và quyết liệt hơn, kết lại với nhau thành những làn sóng vô cùng mạnh mẽ, tiếp tục đồng hành cùng cách mạng cả nước lập những chiến công mới.

Sau 2 đợt tổng tấn công và nổi dậy, những hoạt động đấu tranh của CNLĐ Sài Gòn - Gia Định vẫn được tiếp tục duy trì. Ngày 15.7.1968, CN hãng thuốc lá MITAC đấu tranh phản đối chủ hãng sa thải 21 CN. Ngày 26.8.1968, anh chị em CN Tín Nghĩa Ngân hàng lãn công phản đối tổng giám đốc sa thải nhân viên vô cớ. Cuộc lãn công kéo dài do các yêu sách của người lao động không được giải quyết, thậm chí, chủ ngân hàng còn sa thải thêm 6 đại biểu nhân viên.

Ngày 15.9.1969, Thành ủy Sài Gòn (vừa được thành lập từ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định trước đây) quyết định chuyển tất cả các cơ sở ngành nghề xí nghiệp, công tư sở mà trong Tết Mậu Thân đã giao cho các quận, huyện về lại Ban công vận Thành ủy. Thường vụ Thành ủy cũng tăng cường cán bộ cho Ban Công vận và tăng cường giáo dục bồi dưỡng cho cán bộ Công vận hoạt động công khai trong các tổ chức nghiệp đoàn hợp pháp. Nhờ chủ trương đúng đắn này, phong trào CN Sài Gòn - Gia Định lại có những bước tiến mới. Để đối phó, Chính quyền Sài Gòn đã ban hành Luật 10/68 cấm công nhân hội họp, biểu tình. Tuy nhiên CN Sài Gòn - Gia Định cùng đồng bào thành phố vẫn duy trì và đẩy mạnh thế tiến công liên tục, khai thác mọi thời cơ, góp phần đánh bại âm mưu của địch, tiến lên thực hiện mục tiêu cuối cùng là đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

Từ mục tiêu và động lực đấu tranh đúng đắn đó, phong trào CN Sài Gòn - Gia Định đã sáng tạo được rất nhiều phương thức đấu tranh phong phú, đa dạng: Từ những cuộc tập hợp lực lượng, tổ chức hội thảo đưa yêu sách, kiến nghị đến những cuộc biểu tình, đình công, chiếm xưởng, kể cả tổng đình công toàn thành phố… Không chỉ dừng lại ở đấu tranh chính trị đơn thuần, có lúc phong trào còn kết hợp cả đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và luôn gắn chặt với công tác binh vận. Qua đó, phong trào đã phát triển nhanh chóng và thực sự trở thành 1 mũi xung kích trong các phong trào đấu tranh yêu nước ở đô thị Sài Gòn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn