MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Đàm Thị Hương khoe bộ quần áo chị mua cho các con trước khi về quê đón Tết. Ảnh: Bảo Hân

Công nhân sắm Tết: Không dám mua bộ quần áo quá 300 nghìn đồng

Bảo Hân LDO | 19/01/2023 06:00
Thu nhập thấp, đa số công nhân luôn phải chọn mua đồ dùng, quần áo, giày dép… giá rẻ. Những ngày Tết cũng vậy, khi sắm Tết, lựa chọn của họ luôn phải rẻ, phù hợp với khả năng chi trả của mình. 

Vừa có tiền thưởng Tết, chị Đàm Thị Hương - công nhân Công ty Nissei (Khu công nghiệp Thăng Long) - vào chợ Mun (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) để mua đồ cho 2 con. 

Chiếc ba lô của cháu lớn đi học đã rách, nên chị mua một chiếc mới. Ngoài ra, chị mua cho mỗi cháu một bộ quần áo. 

“Chiếc ba lô có giá 200 nghìn đồng; áo của con lớn: 100 nghìn đồng; mũ của con lớn: 110 nghìn đồng; áo của con út là 230 nghìn đồng. Chỉ một vài món đồ như vậy thôi đã hết 640 nghìn đồng” - chị Hương kể. Chị không mua bộ đồ gì mới cho bản thân mình và chồng, vì “trẻ con khi Tết mới cần có manh áo mới, chứ người lớn mặc đồ cũ đón Tết không sao”.

Theo chị Hương, cả năm, chị chỉ mua cho mình 1, 2 bộ quần áo; chủ yếu là mua cho các con. Mỗi lần mua cho các con, chị không dám bước vào các cửa hàng bán quần áo, mà chỉ mua ở chợ Mun hoặc của những người bán “đồ hàng thùng” ngoài vỉa hè. 

“Tôi chưa bao giờ dám mua một bộ quần áo giá trên 500 nghìn đồng/bộ. Tôi chỉ mua những bộ quần áo có giá cao nhất là 300 nghìn đồng, còn thường là 100-200 nghìn đồng” - chị Hương chia sẻ.

Quê ở Lạng Sơn, nữ công nhân này làm ở khu công nghiệp Thăng Long đã 11 năm nay. Lương cơ bản 7 triệu đồng, nếu có làm thêm, chị có mức thu nhập là 10 triệu đồng. Cuối năm 2022, công ty chị ít việc, ít được làm thêm nên thu nhập của chị được khoảng 9 triệu đồng.

Vừa qua, chị nhận được khoản thưởng Tết 11 triệu đồng. Có một số tiền khá lớn trong tài khoản, nhưng chị vẫn không dám “vung tay” chi tiêu cuối năm như mọi người. 

Các cửa hàng bán quần áo giảm giá luôn thu hút đông công nhân đến lựa chọn, mua. Ảnh: Bảo Hân

“Tôi phải dành dụm để ra Tết có tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. Riêng tiền học cho 2 con một tháng đã hết 3,5 triệu đồng; ngoài ra còn tiền thuê nhà (2 triệu đồng); tiền ăn uống cho cả gia đình 4-5 triệu đồng/tháng” - chị Hương cho hay. 

Chi tiêu tiết kiệm, chỉ mua đồ ít tiền cũng là quan điểm của chị Dương Thị Tình - công nhân khu công nghiệp Bắc Giang. “Tôi không cho phép mình mua một món đồ (như quần áo, giày dép…) trên 400 nghìn đồng” - chị Tình cho hay. 

Thường vào đầu năm học mới và Tết, chị Tình mới mua quần áo mới cho các cháu. Vừa rồi, để chuẩn bị quần áo mới cho các con đón Tết, chị mua cho 2 con mỗi người 2 bộ quần áo. Một chiếc áo của cháu lớn có giá 180 nghìn đồng; quần 210 nghìn đồng. Bộ quần áo nhỏ của cháu bé có giá 180 nghìn đồng” - chị Tình kể.

Theo nữ công nhân này, những sản phẩm này là đồ lỗi mốt, được giảm giá có khi chỉ còn một nửa, vì vậy, dù nhìn không đẹp, nhưng mặc khá bền. 

Đã rất lâu rồi, người mẹ 2 con này chưa mua cho riêng mình bộ quần áo mới. “Tôi chỉ mua quần áo mới cho chồng con, còn tôi thường xin lại đồ thừa của các chị em để mặc lại” - chị Tình chia sẻ.

Lương thấp, cuộc sống bộn bề khó khăn nên ngay cả dịp Tết, những công nhân như chị Hương, chị Tình vẫn phải “nâng lên đặt xuống” mỗi khi mua một bộ đồ gì đó cho gia đình. Đối với họ, dù không có điều kiện mua sắm nhiều vào dịp Tết, nhưng được bên cạnh gia đình, người thân của mình sau một năm làm việc cũng đã là một niềm hạnh phúc mà họ sẽ tận hưởng để bước vào năm làm việc mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn