MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng chức năng có mặt ghi nhận và giải quyết sự việc của chị Q. Ảnh: PV

Công nhân sang nhượng nhà đất bằng giấy viết tay: Lao đao vì bị giang hồ gây sức ép

NHÓM PHÓNG VIÊN LDO | 06/10/2018 06:13

Đồng Nai là tỉnh tập trung đông công nhân của cả nước, đặc biệt là tại TP.Biên Hòa, nhu cầu nhà ở của công nhân rất lớn. Trong khi chính quyền địa phương chưa lo hết được nhà ở xã hội cho công nhân thì với số tiền tích cóp được chỉ vài ba trăm triệu đồng, để có nhà ở, rất nhiều công nhân đã “liều một phen” sang nhượng nhà đất chỉ bằng một tờ giấy viết tay. Đáng chú ý gần đây tại H.Vĩnh Cửu, TP.Biên Hòa xuất hiện tình trạng các nhóm giang hồ đứng ra dùng nhiều cách, gây sức ép, khiến nhiều công nhân lâm vào cảnh tiền mất, mà nhà đất ở cũng không còn.

Mua đất giấy tay, mất cả đất lẫn tiền

Anh Lê C (ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai) chia sẻ: “Tôi có người em trai đang làm công nhân một Cty tại TP.Biên Hòa, sau nhiều năm làm việc tích cóp được một khoản tiền nhỏ nên cách đây hơn 1 năm đã tìm kiếm được một lô đất giá rẻ 100m2, nằm tại xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu) với giá hơn 200 triệu đồng, mua bán bằng giấy tay. Thời điểm hiện nay, lô đất đó đã lên giá hơn 400 triệu đồng và em trai tôi dự tính xây cất nhà để lo chuyện gia đình thì người bán đất trước đây tìm gặp và yêu cầu trả lại em tôi số tiền 200 triệu đồng để lấy lại đất (dù hiện giá trị thực là 400 triệu đồng)”.

Theo anh C, nguyên nhân là do một nhóm đối tượng gây sức ép buộc các chủ đất phải trả tiền lại cho những người đã mua đất trước đây với giá chỉ bằng một nửa giá trị thực. Hiện đất đai tại TP.Biên Hòa, Vĩnh Cửu sau cơn sốt giá đang ở giá cao nên em trai anh C vẫn chưa tìm được lô đất nào với giá 200 triệu đồng.

Trong khi đó, tại TP.Biên Hòa, tình trạng trên còn căng thẳng hơn và nhiều người dân đã làm đơn tố cáo lên chính quyền địa phương. Chị Vũ Thị Q (40 tuổi, ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi có mua một mảnh đất 2.400m2, cuối tháng 7.2018, bất ngờ có một nhóm người lạ mặt chở theo vật tư xây hàng rào chiếm đất gia đình tôi, đưa một thùng container vào đất của tôi và cử một nhóm người canh giữ, thậm chí ngủ lại ngay trong container”.

Theo chị Q, nhóm người này còn đến tận nhà chị để hăm dọa gia đình. “Tôi đã gửi đơn tố cáo lên công an TP.Biên Hòa nhờ can thiệp để bảo vệ gia đình tôi, hiện tại tôi rất lo lắng” - chị Q chia sẻ. Lực lượng chức năng P.Tân Phong gồm cả Công an phường cũng đã tới kiểm tra hiện trường, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Còn bà Nguyễn Thị Đ (63 tuổi, cũng ngụ tại P.Tân Phong) vào năm 2006 có mua và trồng cây tràm trên diện tích đất rộng khoảng 5.000m2 sử dụng hơn 12 năm nay. Bất ngờ mới đây bị một nhóm người kéo đến cho máy móc tới cắt toàn bộ số cây trên. Sự việc được bà Đ trình báo đến chính quyền địa phương, cơ quan chức năng địa phương đã đến lập biên bản ghi nhận sự việc. Theo ghi nhận, nhiều người dân rất hoang mang trước tình trạng có dấu hiệu các băng nhóm tham gia vào tranh chấp đất tại P.Tân Phong.

Công an vào cuộc điều tra

Một cán bộ phường chia sẻ: Khu vực P.Tân Phong có số đông là công nhân, người lao động nghèo nên họ chấp nhận rủi ro khi mua bán, sang nhượng nhà đất bằng giấy tay. Đất nhiều khu vực tại P.Tân Phong có nguồn gốc là đất quốc phòng, nhưng chưa bàn giao cho địa phương, do đó, nhiều năm qua người dân vào lấn chiếm, canh tác sau đó mua đi bán lại bằng giấy tay
nhiều lần.

Theo một lãnh đạo P.Tân Phong, đối với các vụ tranh chấp đất ở khu vực trên, khi nắm được thông tin chính quyền đều cử các lực lượng công an, trật tự phường vào kiểm tra, xử lý, lập biên bản ghi nhận sự việc. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chỉ có chức năng hòa giải, nếu hòa giải không thành mới đề nghị người dân gửi đơn đến tòa án để giải quyết. Đối với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự như cắt cây, phá hoại bờ rào, chính quyền địa phương hướng dẫn người dân trình báo cơ quan công an vào cuộc xử lý theo hướng hủy hoại tài sản.

Lãnh đạo P.Tân Phong cũng thừa nhận, thời gian vừa qua có dấu hiệu các băng nhóm giang hồ vào tranh chấp với người dân. Với những vụ việc có tính chất băng nhóm, hoạt động theo kiểu xã hội đen, phường báo cáo UBND TP.Biên Hòa để chỉ đạo Công an TP.Biên Hòa sớm điều tra làm rõ. Công an P.Tân Phong sau khi tiếp nhận các vụ việc phản ảnh từ người dân cũng đã lập biên bản ghi nhận sự việc. Trước những dấu hiệu hoạt động của các băng, nhóm, Công an phường lập hồ sơ ban đầu, báo cáo cho Công an TP.Biên Hòa vào cuộc điều tra. Riêng đối với các vụ có dấu hiệu lừa đảo, Công an phường ghi nhận và đề nghị người dân gửi đơn đến Công an TP.Biên Hòa để điều tra, giải quyết. 

Ông Bùi Minh Quang - Quyền Chủ tịch UBND P.Tân Phong - cho biết: “Chúng tôi đã đứng ra hòa giải tranh chấp trên, đồng thời báo cáo thành phố có hướng xử lý”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn