MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN (giữa) và Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Trần Thị Diệu Thúy thăm hỏi anh Nguyễn Văn Thiện - Ảnh: L.T

Công nhân sau tai nạn lao động cần việc làm!

LÊ AN NHIÊN LDO | 13/05/2018 15:08

Dù được trợ cấp tai nạn lao động (TNLĐ) hàng tháng nhưng cuộc sống của những công nhân (CN), người lao động (NLĐ) sau tai nạn rất chật vật. Nhiều người trong số họ mặc dù bị tai nạn, mất một phần cơ thể nhưng vẫn còn sức lao động, mong ước của họ là được làm việc, có thêm thu nhập để cải thiện thu nhập.

Sống chật vật sau tai nạn

Anh Lâm Văn Dũng, sinh năm 1971, nhà ở quận 3, TPHCM, vốn là tài xế của Cty TNHH Linfox logisitis VN (Bình Dương). Anh Dũng cho biết, cách đây 10 năm, trước thời điểm anh bị tai nạn, tiền lương của anh hơn 3 triệu đồng/tháng. Anh nói: “3 triệu đồng lúc đó đủ để giúp tôi trang trải cuộc sống gia đình, lo cho cha mẹ và phụ với mấy anh chị em. Tôi luôn nghĩ mình sẽ cố gắng hơn, làm việc, cưới vợ, sống một cuộc đời bình thường thế nhưng mọi thứ đã không được như lẽ thường”.

Trong một lần làm việc, chân của anh Dũng bị kẹt vào bộ phận máy của xe vận chuyển nội bộ kho công ty gây thương tật cụt chân trái qua đầu gối, dẫn đến tỷ lệ thương tật trên 81%. Từ đó đến nay, hàng tháng anh lên phường nhận được gần 1 triệu đồng tiền trợ cấp TNLĐ. Anh bảo, nhà ở ngay quận trung tâm của TPHCM, chi tiêu cái gì cũng đắt đỏ, 1 triệu đồng chỉ đủ ăn sáng, với điều kiện không nước non, chi tiêu, áo quần… Để có thể đạt mức sống tối thiểu ăn uống, ngủ nghỉ, anh phải trông cậy vào sự hỗ trợ của các chị.

Anh Dũng bộc bạch: “Nhà 8 người, thu nhập bấp bênh, tôi là đàn ông mà giờ sống trông cậy vào các chị, nhiều lúc nghĩ buồn lắm. Tôi đi tìm việc, tới đâu người ta cũng chê, xin làm bảo vệ cũng không được. Chỉ mong có cái nghề để mình sống bớt vất vả. Mà giờ không biết làm nghề gì, người lành lặn ngoài kia còn thất nghiệp, mình cụt chân vầy, người ta ngại tuyển dụng lắm. Tôi muốn học cái nghề, tự mở tiệm lại không có vốn”.

Sống chật vật, lay lắt sau TNLĐ, anh Nguyễn Văn Thiện (TPHCM) cũng mong muốn được mình có được một công việc để nuôi sống bản thân. Anh Thiện sinh 1963, vốn là công nhân nông trường cây trồng công nghiệp thuộc Lực lượng thanh niên xung phong. Năm 1989, trong vụ TNLĐ do nổ nổi áp suất, anh bị cụt chân trái qua đầu gối, dẫn đến tỷ lệ thương tật 81%. Mức trợ cấp TNLĐ của anh hiện nay là 3 triệu đồng, đây là mức trợ cấp khá cao so với nhiều hoàn cảnh khác. Tuy nhiên, với việc một mình tự lo mọi việc, cùng với bệnh đái tháo đường, cuộc sống của anh Thiện khá chật vật.

Anh chia sẻ: “Đầu tháng lãnh về 3 triệu đồng, trả tiền điện, nước, tiền thuê người dọn dẹp, giặt giũ đã hết hơn một nửa. Tôi cụt một chân lên gần đến bẹn, lại bị đái tháo đường, chân không lành lặn, thuốc thang phải thường xuyên. Trước đây, tôi có một cái xe lắc tay, đi bán vé số mà giờ xe hư, không có tiền mua lại, ngồi nhà chịu chết. Tôi ước có cái xe lắc tay đặng đi bán vé số để cuộc sống đỡ bức bách”.

Dạy nghề phù hợp, kết nối với doanh nghiệp

Một số trường hợp bị TNLĐ nhưng vẫn còn sức lao động, được doanh nghiệp bố trí công việc phù hợp hoặc được giới thiệu học nghề mới phù hợp với sức khỏe đã giúp cuộc sống của họ đỡ vất vả hơn.
Anh Vũ Văn Thanh, sinh năm 1989, hiện đang tạm trú ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Anh Thanh vốn là công nhân trực tiếp sản xuất của Cty CP Minh Hữu Liên (quận Bình Tân, TPHCM). 10 năm trước, trong lúc làm việc, anh Thanh bị máy dập đứt 8 ngón tay, dẫn đến tỷ lệ thương tật 81%. Toàn bộ chi phí điều trị cho anh được công ty và bảo hiểm y tế chi trả.

Sau tai nạn, mỗi tháng anh nhận được 1,4 triệu đồng tiền trợ cấp TNLĐ. Tuy nhiên những khó khăn trong cuộc sống của anh được giải quyết phần nào khi công ty bố trí anh công việc bảo vệ, với thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Vợ anh làm công nhân cùng công ty, thu nhập mỗi tháng hơn 4 triệu đồng. Với tổng thu nhập của hai vợ chồng gần 10 triệu đồng/tháng, so với mức sống ở TPHCM vẫn còn thấp nhưng vợ chồng anh phần nào lo được cuộc sống gia đình.

Anh Thanh bộc bạch: “Khi tỉnh dậy trong bệnh viện với hai bàn tay không còn lành lặn, tôi đã không cầm được nước mắt khi nghĩ đến cuộc sống phía trước. Tuy nhiên, công ty, công đoàn đã ở bên tôi, động viên tôi. TNLĐ là điều không ai mong muốn, quan trọng là sau sự cố đó, chúng ta đối mặt với nó thế nào, NLĐ mong muốn được tiếp tục làm việc và doanh nghiệp có sẵn sàng tiếp nhận họ hay không”.

Nhân Tháng hành động Vì an toàn vệ sinh lao động năm 2018, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính đã đến thăm, tặng quà, chia sẻ, động viên anh chị em CNLĐ bị TNLĐ nặng. Lắng nghe các chia sẻ của anh chị em CNLĐ, ông Mai Đức Chính cho rằng: “Mức trợ cấp TNLĐ hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu cuộc sống của NLĐ sau khi bị tai nạn. Đối với những NLĐ vẫn còn có sức khỏe, còn khả năng lao động, anh chị em cần được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, có như vậy cuộc sống mới bớt khó khăn hơn. Trong khả năng của mình, tổ chức CĐ sẽ cố gắng hỗ trợ để anh chị em có cuộc sống tốt hơn”. Theo ông Mai Đức Chính, công tác đào tạo, hỗ trợ tìm việc cho anh chị em sau TNLĐ là rất cần thiết, giúp anh chị em quay trở lại với thị trường lao động, tự tạo nguồn thu nhập cho bản thân, lo được cho cuộc sống của mình, đó mới là sự chăm lo bền vững nhất.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn