MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Giàng Thị Pà nấu bữa tối cho cả gia đình. Ảnh: Phương Hạnh.

Công nhân sợ Tết vì lo không mua được áo mới cho con

Phương Hạnh LDO | 30/11/2021 19:02
Anh Và A Sùng và chị Giàng Thị Pà - đôi vợ chồng trẻ từ huyện Thuận Châu, Sơn La xa xôi - đến thủ đô làm công nhân. Những ngày năm cũ sắp hết, anh Sùng và vợ sợ Tết vì công việc đang bị gián đoạn.

Sinh năm 1994, anh Sùng gắn bó với Hà Nội được 5 năm. Chị Pà ở quê làm rẫy vất vả, thu nhập thấp nên mới đây đã xin làm công nhân cùng công ty với chồng. Tuy nhiên, mới làm được 4 tháng thì chị Pà phải nghỉ việc 2 tháng vì công ty không cho công nhân ở khu vực có F0 đến làm việc.

Suốt quãng thời gian “cấm túc” ở nhà trọ, gia đình 4 người phải nhờ đến sự hỗ trợ từ công ty, chính quyền địa phương và bạn bè mới có lương thực ăn qua ngày.

Đến nay, khi công ty mở cửa trở lại, 2 vợ chồng đã được đi làm nhưng cũng bị công việc cũng bị cắt giảm. “Lương ở công ty ăn theo sản phẩm, công nhân có làm mới có tiền. Hơn 2 tháng nay, chúng tôi chỉ làm 2 tuần, sau đó nghỉ 1 tuần.  Do vậy, thu nhập của cả 2 gộp lại chỉ ở mức 9 triệu đồng/tháng” – anh Sùng nói.

Công việc gián đoạn khiến gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai anh Sùng, chị Pà. Mỗi tháng, ngoài tiền trọ 1,5 triệu đồng (cả điện, nước, rác,..), vợ chồng công nhân chi thêm 1,8 triệu đồng tiền gửi con út 8 tháng tuổi; gần 2 triệu đồng cho cậu con trai lớn mới về quê được hơn 1 tuần. Những khoản này, anh Sùng tính sơ sơ cũng rơi vào khoảng 5,3 triệu đồng, đó là chưa kể tiền chi tiêu của 2 vợ chồng ở giữa Thủ đô.

Khi chúng tôi hỏi, thu nhập giảm sút vậy có bao giờ vợ chồng rơi vào cảnh túng thiếu không? Anh Sùng nhanh nhảu: “Ngày xưa thôi”, nhưng Pà chen ngang: “Bây giờ vẫn thế”.

Dự định của vợ 2 chồng là làm công nhân vài năm rồi gom tiền về quê cất căn nhà nhỏ, song dịch bệnh liên miên khiến tiền trong túi của anh chị ngày càng cạn.

Giờ đây mỗi lần nghe thông báo phải giảm giờ làm từ công ty, anh Sùng tỏ vẻ chán nản, buồn bã.

Trên bức tường, vợ chồng công nhân ghi những dòng chữ nhỏ để động viên nhau vượt qua những ngày khó khăn: “Nghèo nhưng cố gắng“; “Chán cảnh giãn cách“... Ảnh: Phương Hạnh.

Gần hết năm 2021, hỏi về mong mỏi lớn nhất của gia đình, chị Sùng cho biết: “Tết cái gì cũng muốn, chỉ là không làm được thôi. Nhưng điều tôi trông chờ nhất là 2 vợ chồng được đi làm đủ ngày”.

Nhắc về Tết những năm trước, anh Sùng cho hay, công ty sẽ tặng quà và 1-2 triệu đồng tiền mặt cho công nhân, còn Tết năm nay, sẽ khó có hi vọng: "Tắt ngúm rồi. Việc không có để làm nói gì đến thưởng Tết. Vì vậy, nói đến Tết tôi sợ lắm. Sợ vì không có tiền mua áo mới cho các con".

Trong căn phòng trọ hơn 10 mét vuông vợ chồng anh Sùng chị Pà thuê ở đường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không có đồ vật nào giá trị ngoài chiếc giường và bếp gas.

Anh Sùng trông con cho chị Pà nấu cơm. Tối nay, gia đình ăn “sang” hơn ngày thường vì ngày mai cả 2 được đi làm sau 1 tuần nghỉ liên tiếp.

Theo Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 (tính từ ngày 27.4.2021 - 19.11.2021) đã có 273 doanh nghiệp dừng hoạt động; 1.507 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động; số CNLĐ mất và thiếu việc làm là 55.629 người (trong đó mất việc 9.351 người; thiếu việc 46.278 người.

Vừa qua, trong buổi làm việc với các đơn vị trong Cụm thi đua số 2 về phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động Công đoàn năm 2021, Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội yêu cầu dồn lực và kinh phí để chăm lo tốt nhất, đầy đủ nhất cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tập trung vào những lao động khó khăn, bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Cụm thi đua số 2 gồm Liên đoàn Lao động các quận gồm các Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn