MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia đình công nhân Vũ Thị Phượng mỗi tháng phải trả 3 triệu đồng tiền nợ đang phải thắt lưng buộc bụng để cầm cự qua ngày. Ảnh: Hà Anh Chiến

Công nhân sống chắt chiu vì vật giá leo thang

HÀ ANH CHIẾN LDO | 19/07/2022 12:00
Để đối phó với tình trạng vật giá leo thang như hiện nay, nhiều công nhân tại tỉnh Đồng Nai phải chọn cách sống “thắt lưng buộc bụng”, tính toán chi tiêu từng ngày, từng bữa ăn mới đảm bảo cuộc sống.

Dè sẻn từng bữa ăn để có tiền trả nợ

Trước tình cảnh vật giá leo thang, để có thêm thu nhập, người lao động đang phải tăng ca thường xuyên mới đảm bảo cuộc sống. Với đồng lương eo hẹp, làm chỉ đủ ăn, họ phải đau đầu suy nghĩ tính toán trong việc chi tiêu của gia đình. 

Gia đình công nhân Vũ Thị Phượng (36 tuổi), mua căn nhà ở xã hội diện tích 33m2 tại khu nhà ở xã hội IDICO, thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch đã được 8 năm. 

Tuy vậy, đến nay gia đình chị chưa trả hết nợ, vẫn tiếp tục trả góp 1,5 triệu đồng/tháng, trong khi tổng thu nhập cả hai vợ chồng chỉ được 12 triệu đồng/tháng và phải nuôi 3 người con.

Chị Phượng chia sẻ: “Trước đây tôi là giáo viên mầm non, do đợt dịch COVID-19 vừa qua cuộc sống quá khó khăn nên tôi đã nghỉ việc, chuyển qua làm nghề bán hàng rong. Chồng tôi làm công nhân tại KCN Nhơn Trạch 2, cuộc sống gia đình rất khó khăn vì đang phải gồng gánh nuôi 3 người con ăn học, trong đó có một cháu mới 6 tháng tuổi”. 

Theo chị Phượng, vì con nhỏ, thời tiết nóng bức nên gia đình ngoài việc trả nợ tiền mua căn hộ, còn tiếp tục trả góp 1,5 triệu đồng/tháng tiền mua máy lạnh. Ngoài ra, mỗi tháng vợ chồng phải tính toán để chi cho rất nhiều khoản tiền như: Tiền điện, nước, sinh hoạt khoảng 1 triệu đồng/tháng; tiền gạo, gas… khoảng 2 triệu đồng/tháng. 

Đó là chưa kể tiền sữa, tiền ăn học, sách vở cho 3 đứa con, tiền chi phí xăng xe để chồng đi làm… Còn tiền ăn, mỗi bữa gia đình chị chỉ được tiêu chuẩn 50.000 đồng cho 5 người. 

 “Thu nhập của vợ chồng tôi không hề tăng, trong khi đó, chủ đầu tư xây dựng toà nhà còn đang rậm rịch tăng phí dịch vụ lên 70%, giá xăng dầu và nhiều vật giá khác cũng tăng liên tục” - chị Phượng lo lắng. 

Tương tự, anh Nguyễn Phước Dũng (34 tuổi), quê tỉnh Thừa Thiên - Huế, làm công nhân KCN Nhơn Trạch 3, mua căn hộ tại khu nhà ở xã hội IDICO từ năm 2014, lúc đó làm công nhân, cả 2 vợ chồng thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Nay vợ anh Dũng đã nghỉ làm nuôi 3 người con, anh Dũng trở thành trụ cột duy nhất trong gia đình. “Bây giờ một mình tôi đi làm nuôi 3 người con, một tháng lương không dư đồng nào, thậm chí phải thắt lưng buộc bụng chi tiêu” - anh Dũng bộc bạch. 

Mong Nhà nước có thêm giải pháp ổn định đời sống NLĐ

Trước thực trạng khó khăn như hiện nay, tại các cuộc làm việc, các chủ tịch công đoàn cơ sở đã lên tiếng đưa ra nhiều kiến nghị nhằm giúp đỡ công nhân người lao động vượt qua tình cảnh khó khăn như hiện nay.

Theo đó, đa phần ý kiến đều cho rằng, để đối phó với cơn “bão giá”, công nhân đang cố gắng chắt bóp, dè sẻn, cắt giảm chi tiêu lắm may ra đủ trang trải, và mong muốn Nhà nước có thêm các giải pháp nhằm điều chỉnh, ổn định giá các mặt hàng, dịch vụ cho phù hợp nhằm đảm bảo đời sống người dân, nhất là lao động làm việc tại các doanh nghiệp với mức lương còn thấp và còn nhiều khó khăn sau 2 năm chống chọi với đại dịch.

Ngoài ra, để có thêm tiền hỗ trợ cho NLĐ, Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp cũng đang tích cực triển khai hồ sơ để NLĐ nhận được tiền hỗ trợ thuê trọ. Như tại Cty TNHH Pousung Việt Nam (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) vừa chuyển tiền hỗ trợ thuê trọ vào tài khoản cho gần 3 nghìn công nhân đang làm việc tại công ty với số tiền trên 4,4 tỉ đồng; Cty TNHH Hwaseung Vina, huyện Nhơn Trạch cũng đã chuyển số tiền khoảng 7,4 tỉ đồng cho gần 5.000 CNLĐ hỗ trợ thuê trọ. 

Theo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, để nâng cao đời sống người lao động, vai trò của Công đoàn cơ sở rất quan trọng. Do đó, thời điểm này, các Công đoàn cơ sở cần khéo léo thương lượng với phía DN để có phương án nâng lương tối thiểu vùng cho người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn