MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mức thu nhập của người lao động chỉ vừa đủ để trang trải hằng tháng, do đó thời điểm gần tết, họ phải tằn tiện và ngóng chờ thông tin thưởng Tết. Ảnh: Thành Nhân

Công nhân sống tằn tiện cuối năm ngóng chờ thưởng Tết

Thành Nhân LDO | 05/01/2023 07:00
Tiền Giang - Làm cả năm nhưng với nhiều công nhân, lương tháng chỉ đủ chi tiêu tằn tiện, ước mơ về cuộc sống chất lượng hơn dường như là cái gì đó xa xỉ... Vì thế, sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho công nhân luôn là điều đáng quý vào thời điểm này.

Tằn tiện cuối năm

Anh Nguyễn Văn Kiền (quê ở huyện Cái Bé, tỉnh Tiền Giang, đang làm việc tại một công ty ở cụm công nghiệp Trung An, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho biết, nhà anh ở huyện Cái Bè, sống bằng nghề nông. Nhưng công việc làm nông thường xuyên thua lỗ. Cả gia đình chỉ có 1,5 công đất nên ngoài làm nông còn phải làm thuê tự do, cuộc sống gia đình thường thiếu trước hụt sau. Do vậy, anh và vợ quyết định xin vào công ty để làm công nhân với mức thu nhập của cả vợ chồng khoảng 12 triệu đồng/tháng.

“Buổi trưa, vợ chồng tôi đi làm ăn cơm ở công ty, chiều về dành 50.000 đồng để mua đồ về nấu ăn chiều tối và cho cả sáng hôm sau. Đối với vợ chồng tôi, việc ngồi ăn sáng ở hàng quán là điều rất xa xỉ hơn 2 năm qua”, anh Kiền cho hay.

Anh Kiền cũng chia sẻ, sợ nhất là cưới hỏi, tiệc tùng. Không đi thì không được, mà nếu đi thì thêm lo. Vì tiền ăn hằng ngày còn tiết kiệm, tặn tiện, lấy tiền đâu mà đi đám. Hơn nữa, Tết gần đến nơi rồi nên càng phải tặn tiện để còn dành tiền về quê ăn Tết với con.

Tương tư như anh Kiền, anh Nguyễn Hữu Đức (quê ở tỉnh Bến Tre, đang làm việc tại một doanh nghiệp tại cụm Công nghiệp Trung An, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) tâm sự: “Hì hục làm, tích cóp, cần kiệm dữ lắm, mà sau 1 năm chẳng dư là bao nhiêu. Hai vợ chồng đi làm với tổng cộng hơn 12 triệu đồng/tháng mà cũng chỉ vừa đủ chi tiêu trong nhà, có khi thiếu trước hụt sau, nên sau một thời gian làm việc cũng chẳng có tiền để dành tiết kiệm.

“Làm công nhân thì mức lương vừa đủ trang trải, sống cảnh thuê trọ và lo cho 2 đứa con ăn học. Đó là chưa kể ốm đau, ma chay, cưới hỏi... Tôi phải làm tăng ca để kiếm thêm bù vào những khoản đó. Giờ công ty không còn tăng ca, có khi bị giãn việc, từ đó thu nhập giảm sút càng chật vật hơn”, anh Đức ngậm ngùi.

Theo anh Đức, Tết năm ngoái, dù khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh nhưng công ty vẫn thưởng Tết cho công nhân từ 1-3 tháng lương/người, tùy theo thâm niên của người lao động. Đến thời điểm hiện tại, Công ty vẫn chưa thông báo hay nói gì đến việc thưởng Tết nên công nhân cứ trong tâm trạng thấp thỏm.

Lo Tết cho công nhân lao động

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 6.100 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó có khoảng 3.500 doanh nghiệp có thuê mướn, sử dụng hơn 195.000 lao động.

Ông Hoàng Khắc Tinh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang cho biết, trước tình hình giá cả tăng cao đã ảnh hưởng đến chất lượng sống của người lao động, đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp, đang phải thuê nhà trọ và nuôi con nhỏ. Bên cạnh đó, hiện nay đa số doanh nghiệp chưa thống kê tình hình kinh doanh 2022. Do đó, chưa có thông báo chính thức mức thưởng Tết 2023 với công nhân lao động.

“Để chăm lo, động viên người lao động với phương châm tất cả đoàn viên Công đoàn, người lao động đều có Tết 2023, LĐLĐ tỉnh Tiền Giang đã dành hơn 405 triệu đồng để trao tặng 2.200 phần quà và hỗ trợ trao 200 suất quà (mỗi suất 500.000 đồng) cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh đã vận động các doanh nghiệp đóng góp với số tiền hơn 3,2 tỉ đồng để chăm lo và trao quà cho công nhân lao động trong dịp Tết Nguyên đán Quý mão 2023”, ông Tinh cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn