MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân tất bật tăng ca đầu năm. Ảnh: Mạnh Cường

Công nhân tất bật tăng ca

Mạnh Cường - Minh Hương LDO | 05/03/2024 09:45

Ngay từ đầu năm 2024, nhiều công ty nhận được đơn hàng lớn, kéo dài nên vừa tuyển dụng thêm công nhân vừa yêu cầu làm việc tăng ca. Đây cũng là niềm vui và mong ước của nhiều công nhân.

Tăng ca dù mệt nhưng vui

Chị Trần Thị Yến (39 tuổi) - công nhân sản xuất ví da tại Nam Định cho biết, ngay từ mùng 7 Tết, công ty đã yêu cầu công nhân đi làm trở lại. Không những thế, thời gian làm việc còn kéo dài đến 19h30, tăng ca thêm 2,5 tiếng/ngày.

Theo chị Yến, đây là một tín hiệu vui đầu năm, chị và nhiều công nhân khác vô cùng háo hức dù vẫn còn dư âm ngày Tết.

“Ăn Tết xong, tinh thần còn muốn vui chơi, tăng ca đầu năm tuy mệt nhưng nhiều tiền thì chúng tôi vẫn sẵn sàng” - nữ công nhân cười nói.

Chị Yến cho biết, nếu không tăng ca, thu nhập chỉ được khoảng 6,5 triệu đồng. Khi tăng ca vừa được hưởng lương 150% vừa được tính thêm 1 bữa ăn quy thành tiền, thu nhập tổng cộng của chị Yến đến 8 - 8,5 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền này đỡ đần rất nhiều cho các chi phí hao hụt trong dịp Tết và hỗ trợ con học thêm lớp 12.

Chị Nguyễn Thị Mẫn - công nhân may tại Vĩnh Phúc cho hay, từ giữa tháng 2, đến công ty làm việc chị đã được tổ trưởng giao cho rất nhiều hàng. Dự kiến để hoàn thành xong số lượng hàng yêu cầu cũng phải mất ít nhất 1,5 tháng.

“Làm xong mã hàng này, chúng tôi lại bắt đầu chuẩn bị sản xuất quần áo mùa đông với số lượng gấp đôi. Vì vậy, công ty yêu cầu tất cả công nhân phải tăng ca đến 18h thay vì 17h15 như ngày bình thường” - nữ công nhân 30 tuổi nói.

Chị Mẫn nhận lương theo hình thức khoán nên tay chân chẳng bao giờ được nghỉ, tăng ca thêm 45 phút về đến nhà mệt mỏi rã rời. Tuy nhiên, chị vẫn cố gắng vì đây là cách duy nhất để chị có đủ tiền trả nợ chiếc xe mới mua. Cứ nghĩ đến cuối tháng nhận thêm gần 2 triệu đồng, nữ công nhân lại có động lực làm việc.

Theo anh Nguyễn Văn Tuấn - chủ doanh nghiệp may mặc tại Nam Định, từ đầu năm, anh đã nhận được một đơn hàng kéo dài đến tháng 6. Tuy nhiên, số lượng rất nhiều nên anh đã phải đăng tuyển thêm công nhân, thậm chí tuyển cả thợ phụ để kịp tiến độ.

“Trước đây, công nhân bên cạnh công việc chính phải tự đi lấy hàng, nhặt chỉ, chuyền hàng. Còn bây giờ tôi phải tuyển thêm 5 thợ phụ hỗ trợ cho 50 công nhân để kịp hàng giao cho khách” - anh Tuấn chia sẻ.

Mong được tăng ca, tăng lương tối thiểu vùng

Chị Yến chia sẻ, thường công ty sẽ tăng ca đến hết tháng 5 hoặc tháng 6. Từ tháng 7 lại bước vào thời điểm ít việc, công nhân chỉ làm giờ hành chính, thậm chí nghỉ luân phiên. Thời gian thường kéo dài ít nhất 2 tháng, nếu khó khăn có thể kéo dài đến Tết. Quan điểm này được chị Yến rút ra sau 5 năm gắn bó với nhà máy.

Với chị Mẫn, khi công ty ít việc, không có tăng ca chính là quãng thời gian khó khăn và áp lực nhất.

Lúc không có việc, thu nhập đã ít công ty lại hợp tác với các khách hàng nhỏ để cầm chừng khiến đơn giá thấp hơn. Điều này cũng khiến thu nhập của công nhân như chị Yến bị ảnh hưởng rất nhiều trong khi vẫn phải làm việc với cường độ cao, rất áp lực và mệt mỏi.

Chia sẻ về nguyện vọng trong năm 2024, chị Yến mong muốn tiền lương tối thiểu vùng sẽ tăng đúng ngày 1.7.2024, nếu có thể tăng cao hơn 6%. Như vậy, kể cả khi không tăng ca, thu nhập của chị Yến ước tính cũng tăng lên 7 triệu đồng để đảm bảo cuộc sống đỡ bấp bênh, lo âu.

Còn chị Mẫn thì mong công ty sẽ luôn có đơn hàng kéo dài cả năm để ổn định thu nhập cho công nhân. Bởi không có tăng ca, số tiền nhận được chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Với thu nhập này, nữ công nhân chẳng còn dư ra đồng nào sau khi trừ hết chi phí sinh hoạt trong gia đình, học tập của con cái.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn