MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Thái Bình mong có sân chơi để thư giãn sau giờ làm việc. Ảnh: Lương Hà

Công nhân Thái Bình mong có sân chơi để thư giãn sau giờ làm việc

Lương Hà LDO | 01/12/2023 14:09

Thái Bình - Nhiều đoàn viên, người lao động (NLĐ) làm việc trên địa bàn tỉnh Thái Bình mong muốn được đầu tư thiết chế văn hóa, để có sân chơi thư giãn sau giờ làm việc.

Tỉnh Thái Bình có 10 khu công nghiệp (KCN), 1 Khu kinh tế (KKT), trong đó có 7 KCN đi vào hoạt động, với khoảng 120.000 lao động đang làm việc. Hiện tại, các KCN trên địa bàn tỉnh chưa có thiết chế văn hóa đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí của NLĐ sau giờ tan ca.

Anh Nguyễn Văn Vụ (công nhân Nhà nhà máy Tân Đệ 1 - Công ty Tân Đệ, thuộc KCN Nguyễn Đức Cảnh, TP Thái Bình) chia sẻ: "Là công nhân làm việc tại KCN này đã lâu, tôi nhận thấy tại KCN rất cần có thêm các thiết chế văn hóa để NLĐ có sân chơi, thư giãn sau thời gian làm việc căng thẳng. Tôi thấy nên có cơ chế, chính sách quan tâm đầu tư, xây dựng, tu sửa các thiết chế văn hóa, trên cơ sở có lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, cần đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ tại các thiết chế văn hóa để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động".

Công nhân làm việc tại Công ty Tân Đệ. Ảnh: Lương Hà

Tương tự, nhiều công nhân, NLĐ ở huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) cũng mong muốn có không gian để tập thể dục, thể thao và vui chơi, giải trí.

"Ngoài việc đẩy mạnh lao động sản xuất tăng cường chất lượng, sản lượng, công nhân chúng tôi rất cần không gian để vui chơi giải trí. Những dịp cuối tuần hay dịp lễ có không gian thì các hoạt động sẽ được đẩy mạnh tốt hơn, giúp nâng cao đời sống tinh thần cho NLĐ" - chị Vũ Thị Ánh (công nhân Công ty TNHH Kỹ thuật hoạt hình First Union Việt Nam, cụm công nghiệp Thụy Sơn, huyện Thái Thụy) bày tỏ.

Bà Phạm Thị Thắng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Thái Bình - cho biết, sự thiếu hụt thiết chế văn hóa, thể thao không chỉ ảnh hưởng đến sân chơi lành mạnh của NLĐ mà còn làm ảnh hưởng đến Công đoàn và cả doanh nghiệp trong việc tổ chức các hoạt động cho đoàn viên, NLĐ.

Ông Bùi Xuân Vinh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Bình và bà Phạm Thị Thắng - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Bình (áo xanh) tham quan quy trình sản xuất của Công ty TNHH Lotes Việt Nam. Ảnh: Lương Hà

"Thực tế cho thấy, thời gian qua, mỗi khi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao quy mô cho đoàn viên, các Công đoàn cơ sở thuộc LĐLĐ tỉnh Thái Bình và doanh nghiệp phải mượn hoặc thuê địa điểm bên ngoài. Thậm chí, nhiều chương trình cần không gian rộng phải tổ chức ngoài trời gặp nhiều khó khăn, tốn kinh phí" - bà Thắng nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Bình, đầu tư thiết chế văn hóa cũng là điều mà công nhân, NLĐ ở tỉnh Thái Bình muốn gửi tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội.

Để xây dựng phong trào văn hóa trong đời sống công nhân được hoạt động thường xuyên, hiệu quả, cần đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa quy mô dành riêng cho NLĐ ở các cụm công nghiệp, KCN, KKT, đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí cấp thiết của NLĐ. Đây cũng là hoạt động thiết thực để chăm lo toàn diện cho đoàn viên, NLĐ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn