MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân làm việc trong một doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Quang Châu (thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Quế Chi.

Công nhân thấp thỏm chờ tăng ca

Phương Minh - Quế Chi LDO | 22/03/2024 06:11

Thu nhập chủ yếu dựa vào thời gian tăng ca nên với công nhân, họ mong được làm thêm giờ hơn bao giờ hết.

Tuỳ thuộc vào tình hình đơn hàng

Theo ghi nhận, không nhiều công nhân được tăng ca kể từ khi đi làm trở lại, họ dường như chỉ đi làm 8 tiếng mỗi ngày, không làm thêm thứ 7, chủ nhật.

Chị Phạm Thị Dịu - công nhân ở Khu công nghiệp Quang Châu (thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) - cho biết, thời gian gần đây, công ty không nhiều việc, do vậy, chị ít được tăng ca so với trước. “Trước đây, khi có nhiều việc, công ty tăng ca nhiều, công nhân như tôi rất vui vì như vậy đồng nghĩa mình sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, chăm lo cho gia đình mình tốt hơn. Còn bây giờ, ít tăng ca đồng nghĩa với thu nhập của tôi sẽ giảm đi đáng kể” - nữ công nhân nói.

Theo chị Dịu, khi làm thêm nhiều, chị có thể đạt được mức tổng thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Số tiền này bao gồm lương cơ bản (4 triệu đồng/tháng); các khoản phụ cấp và tiền tăng ca. Chị được hưởng các khoản phụ cấp gồm nhà ở, đi lại, chuyên cần. Tuy nhiên, phải đi làm đầy đủ, không nghỉ ngày nào chị mới được hưởng khoản phụ cấp chuyên cần. Tổng các khoản phụ cấp chỉ được khoảng hơn 1 triệu đồng. Như vậy, thu nhập của chị phụ thuộc khá nhiều vào tiền tăng ca.

“Hiện giờ, tổng thu nhập tôi giảm xuống chỉ còn 7-8 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, hàng tháng tôi phải gửi tiền về quê để nuôi con, ít nhất phải 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, riêng tiền thuê nhà, điện nước đã tiêu tốn khoảng 1,2 triệu đồng/tháng. Áp lực cuộc sống rất lớn nên tôi luôn muốn được làm thêm. Làm thêm đồng nghĩa với có thêm khoản tiền đáng kể để chăm lo cho gia đình”- chị Dịu nói.

Chủ tịch công đoàn cơ sở của một công ty thuộc Khu công nghiệp Quang Châu (thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết, thời gian này công ty ít tổ chức tăng ca do ít việc. “Việc tăng ca hay không tuỳ thuộc vào tình hình đơn hàng. Một tuần, công ty chỉ tăng ca ở 1 số bộ phận, chiếm 10-20% số người lao động. Nếu có tăng ca thì mỗi ngày chỉ 1 giờ” - chủ tịch công đoàn cơ sở cho biết.

Theo vị này, do ít làm thêm nên thu nhập của người lao động giảm đáng kể so với trước kia.

Tăng lương tối thiểu vùng cho công nhân

Lương cơ bản cộng phụ cấp của chị Đoàn Thị Thơm (quê Vĩnh Phúc) - hiện làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) - là 7,6 triệu đồng/tháng. Do có thâm niên lâu năm ở công ty nên chị Thơm nhận được mức lương cứng khá cao. Những tháng không làm thêm giờ, cuộc sống của chị đỡ vất vả hơn những công nhân mới vào nghề. Dù là vậy, không tăng ca, chị Thơm cho biết sẽ mất đi khoản phụ cấp tăng ca, tiền làm thêm giờ hoặc thực phẩm hỗ trợ.

Nữ công nhân sinh năm 1989 nhớ những ngày ở lại nhà máy làm thêm đến tối mịt, tiền lương không bao giờ dưới 10 triệu đồng/tháng. Với chị cũng như nhiều công nhân khác, tăng ca có mệt nhưng thu nhập cao hơn hẳn.

"Bao giờ cũng vậy, có tiền dư trong túi thì mới dám chi tiêu thoải mái hơn. Ngày trước, thu nhập trên 10 triệu đồng, tôi còn hay đưa con đi chơi, ăn vặt, bây giờ thì cắt những khoản đó" - chị Thơm nói.

Công nhân mong lương tối thiểu vùng tăng để tăng mức lương cơ bản. Ảnh: Phương Minh.

Chồng chị Thơm cũng là công nhân ở khu công nghiệp này. Trước anh làm tự do, mới xin vào công ty được 2 năm nay. Lương cơ bản cộng phụ cấp của chồng chị Thơm 6,1 triệu đồng/tháng, 1 tuần chỉ tăng ca 1-2 tiếng khiến tiền lương nhận về chưa được 7 triệu đồng. Với mức chi tiêu đắt đỏ ở thành phố cộng thêm tiền thuê nhà hằng tháng, vợ chồng công nhân như chị Thơm khó để xoay sở. Nữ công nhân mong ngóng được tăng ca nhưng cũng không còn cách nào khác.

Chị Thơm cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào tăng ca thì thu nhập của công nhân sẽ không ổn định. "Tăng ca hay không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh, sản xuất của công ty. Điều cốt lõi vẫn là tăng lương tối thiểu vùng, từ đó nâng mức lương cơ bản của công nhân để chúng tôi có thu nhập tốt hơn" - nữ công nhân cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn