MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cả dãy trọ 10 phòng công nhân về hết bỏ trống trơn. Ảnh: Đình Trọng

Công nhân thất nghiệp về quê, người buôn bán nhỏ ế ẩm

ĐÌNH TRỌNG LDO | 28/07/2023 09:24

Tại Tân Uyên, Bình Dương, công nhân thất nghiệp về quê, những dãy trọ trống trơn. Chủ kinh doanh nhà trọ bị giảm nguồn thu, người bán hàng tạp hóa mất khách hàng, các loại hình kinh doanh khác cũng bị ảnh hưởng.

Tỉnh Bình Dương vẫn đang duy trì việc làm cho khoảng trên 1 triệu lao động. Tuy nhiên, do khó khăn về đơn hàng, hàng chục ngàn lao động đã bị mất việc làm gần đây. Trong số những người thất nghiệp, có người không tìm được việc làm mới nên đã về quê.

Tình hình lao động thất nghiệp về quê nhiều nhất ở Tân Uyên. Đây là địa phương có nhiều công ty sản xuất đồ gỗ nhất tỉnh Bình Dương. Khoảng 1 năm trở lại đây, đơn hàng ngành gỗ giảm, công ty thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.

Công nhân thất nghiệp về quê bỏ phòng trọ trống trơn. Ảnh: Đình Trọng

Những công nhân ngành gỗ thất nghiệp, không tìm được việc làm mới quá khó khăn buộc phải về quê. Nhiều phòng trọ bỏ trống hơn 1 năm nay vẫn chưa có người quay trở lại thuê ở.

Việc công nhân về quê ảnh hưởng trực tiếp đến người kinh doanh nhà trọ. Cư xá Hưng Lợi 1 ở phường Uyên Hưng, thành phố Tân Uyên có 600 phòng trọ cho thuê. Những tháng gần đây, công nhân không có việc làm đã về quê bỏ lại những dãy trọ trống không. Ban quản lý cư xá cho biết, hiện nay có đến hơn 300 phòng trọ đang bị bỏ trống. Cư xá cũng đã giảm khoảng 30% tiền phòng để chia sẻ với công nhân lao động khó khăn chung.

Dãy trọ trước ki ốt hàng tạp hóa của chị Tiến, công nhân thất nghiệp bỏ đi hết. Ảnh: Đình Trọng

Công nhân về quê cũng ảnh hưởng trực tiếp đến người kinh doanh buôn bán nhỏ. Chị Hồ Thị Kim Tiến (36 tuổi, quê An Giang) trước đây bán hàng tạp hóa và đồ ăn sáng mỗi ngày tổng thu được từ 2-3 triệu đồng, nhưng nay chỉ được 100 ngàn đồng, có hôm không được đồng nào.

"Trước đây công nhân đông lắm, công nhân ở kín phòng trọ. Nay doanh nghiệp không có đơn hàng, công nhân thất nghiệp về quê. Khi công nhân không còn ở thì mình bán hàng tạp hóa cũng ế ẩm. Tiền thuê ki ốt thì cao mà mỗi ngày chỉ bán được khoảng 100.000 đồng tiền hàng, có hôm không được đồng nào. May nhờ chủ cư xá giảm bớt tiền thuê nên cũng đỡ, có thể trụ lại được"- chị Tiến chia sẻ.

Nhiều công nhân về quê nên cửa hàng tạp hóa của chị Tiến cũng ế ẩm.Ảnh: Đình Trọng

Trong khi đó, anh Trần Văn Tiên (36, quê Sóc Trăng), làm công nhân gỗ bị thất nghiệp ra chạy xe ôm cũng ít khách. "Thời gian đầu còn có khách, gần đây ế ẩm. Tôi phải cố gắng duy trì các mối quen để có thu nhập trang trải tiền ăn hàng ngày" - anh Tiên chia sẻ.

Còn anh Lê Văn Lập buôn bán hàng điện tử, điện thoại chia sẻ: "Trước đây, công nhân lao động đông, việc làm dồi dào, thu nhập cao, khi lấy lương thường đi mua điện thoại. Có người mua 2 chiếc điện thoại, 1 cái sử dụng, 1 cái gửi về quê cho người thân. Nay công nhân về quê bớt nên việc bán điện thoại, đồ điện tử cũng rơi vào cảnh ế ẩm".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn