MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bữa cơm công nhân thời vật giá leo thang. Ảnh: P.N

Công nhân thay đổi phương thức di chuyển

Phương Ngân LDO | 14/03/2022 12:32
Chưa hết khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nay người lao động lại lao đao vì vật giá leo thang. Giá xăng, gas và nhiều nhu yếu phẩm khác liên tục tăng cao khiến người lao động phải thay đổi phương thức di chuyển, hay cắt giảm bữa ăn để thích nghi trong thời “bão giá”.

Cắt giảm bữa ăn

Trước đây, mỗi buổi sáng chị La Thị Xa Pha, công nhân tại KCX Linh Trung I (TP.Thủ Đức, TPHCM) thường ăn sáng trước khi vào công ty làm việc thì nay chị phải cắt giảm bữa sáng. “Giờ công ty không tăng ca, tiền lương trung bình khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. Tiền nhà, tiền xăng xe và ăn uống thì lương không thấm vào đâu. Chưa kể giờ vật giá tăng, trước ăn sáng chỉ 20.000 - 25.000 đồng thì nay tăng lên 30.000 - 35.000 đồng/phần ăn nên tôi buộc phải cắt giảm bữa sáng mới đủ chi tiêu” - chị Xa Pha chia sẻ.

Không có điều kiện tăng ca nên thu nhập giảm sút, giá cả thì tăng liên tục nên chị Lê Thị Thanh Mỹ, công nhân Cty Freetrend (TP.Thủ Đức) cùng các con ăn qua loa bữa chiều bằng mì gói, còn bó rau dền chị vừa mua để dành cho bữa sáng hôm sau.

“Chiều nay tôi cùng các con ăn mì cho qua bữa, bữa sáng tôi cũng tự nấu ở nhà. Chồng tôi làm phụ hồ nhưng thất nghiệp từ dịch tới nay, hai đứa con thì đang học cấp 1, giờ chi tiêu trong nhà chỉ phụ thuộc vào đồng lương của tôi nên khi đi chợ mỗi thứ tôi đều mua giảm bớt mới đủ tiền trang trải” - chị Mỹ thở dài.

Tranh thủ sau giờ tan ca, chị Lê Thị Thuyết - công nhân Công ty Einsvina (Bình Dương) ghé chợ mua mấy bó rau cho bữa cơm chiều. Cũng như nhiều đồng nghiệp, chị phải giảm bớt chi tiêu vì hàng hóa đồng loạt tăng giá.

“Nếu lúc trước mua bó rau muống 3.000 đồng thì nay đã 5.000 đồng. Cái gì cũng lên giá mà lương vẫn vậy. Bữa sáng của tôi được thay thế bằng cơm nguội thay vì ra ngoài ăn như trước, có bữa ra ngoài thì chỉ cho con ăn, chứ ba mẹ ăn nữa thì tiền đâu chịu nổi” - chị Thuyết lắc đầu ngao ngán.

Thay đổi phương thức di chuyển

Giá xăng tăng cao khiến nhiều người hạn chế ra đường hoặc phải thay đổi phương thức di chuyển để giảm bớt chi phí. “Giá xăng lên cao quá giờ tôi không dám đi đâu, thậm chí cách ngày tôi đi bộ đi làm để giảm bớt tiền xăng. Trước đây 1 tuần tôi chỉ đổ 60.000 đồng tiền xăng thì nay tăng gần gấp đôi, nếu giá xăng cứ tiếp tục tăng tôi sẽ tính đến phương án đi bộ đi làm” - anh Thành Thanh Tuấn, công nhân tại KCX Linh Trung I (TP.Thủ Đức) chia sẻ.

Chung dãy trọ với anh Tuấn, anh Nguyễn Trung Hiếu, công nhân Cty Freetrend (TP.Thủ Đức) cũng dự định mua xe đạp để đi làm. “Giá xăng quá cao với thu nhập hiện tại nên tôi, chưa kể nhiều thứ khác cũng tăng theo giá xăng, người lao động không gánh nổi”, anh Hiếu nói.

Chưa tính đến việc thay đổi phương thức di chuyển nhưng từ khi giá xăng tăng, chị Lê Kim Ngân (TP.Thủ Đức) hạn chế ra đường: “Giờ gia đình tôi không dám đi đâu chơi, nếu không có việc cần thiết cũng không ra ngoài vì tiền xăng chồng tôi đi làm hơn 20km mỗi ngày đã “ngốn” mất một khoản khá lớn, trong khi tôi đang phải ở nhà chăm con. Tất cả chi phí đều phải trông vào đồng lương của chồng” - chị Ngân bộc bạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn