MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một khu nhà ở cho công nhân tại KCN Điềm Thuỵ (Thái Nguyên). Ảnh: Nguyễn Tùng

Công nhân thêm kỳ vọng về chỗ an cư với chính sách nhà ở mới

Nguyễn Tùng LDO | 01/12/2023 15:24

Nhiều công nhân tại các khu công nghiệp thêm niềm tin, kỳ vọng sẽ có được nơi an cư, lạc nghiệp khi Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn.

Vợ chồng chị Bàn Thị Lành (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) đã làm việc tại một công ty chế biến gỗ trong Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) được hơn 3 năm nay. Con nhỏ ở quê cùng ông bà, vợ chồng chị Lành cũng tính đón con lên ở cùng nhưng kẹt nỗi chưa có nhà ở.

"Hai vợ chồng ở trọ chật chội cũng cố gắng khắc phục nhưng đưa con lên ăn học, sinh sống thì cũng phải có nhà cửa đàng hoàng. Tôi cũng đang tích góp để có thể mua được căn nhà, bây giờ chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ công nhân về nhà ở thôi" - chị Lành cho hay.

Được biết, sắp tới, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam sẽ là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn, chị Lành rất mừng và đặt nhiều kỳ vọng. Chị Lành chia sẻ: "Tổng LĐLĐ mà đứng ra làm nhà ở cho công nhân thì yên tâm rồi, tôi nghĩ sẽ có những ưu đãi để công nhân dễ tiếp cận với nhà ở, nhất là với những người khó khăn. Tôi mong rằng, Đại hội Công đoàn XIII này sẽ thảo luận kỹ hơn về nội dung này".

Trong khi đó, tại tỉnh Thái Nguyên - địa phương có gần 91.000 lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), trong đó hơn 16.000 công nhân có nhu cầu về nhà ở thì việc được thuê hoặc mua nhà ở xã hội do Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn đã cho nhiều công nhân có thêm niềm tin về nơi an cư, lạc nghiệp.

Trong các cuộc đối thoại với lãnh đạo các tỉnh, công nhân, người lao động đều bày tỏ nhu cầu về nhà ở. Ảnh: Nguyễn Tùng

Chị Phạm Thị Huệ (quê tại tỉnh Thái Bình) đang làm việc tại Công ty TNHH New One Vina (KCN Điềm Thuỵ, Thái Nguyên) cho hay, mong muốn lớn nhất vẫn là có chỗ ở ổn định bởi đi thuê nhà trọ thì tạm bợ, trong khi mua đất hay nhà thương mại thì giá cao.

"Nếu dùng tài chính công đoàn để làm nhà ở rồi cho công nhân mua hoặc thuê thì chắc chắn giá sẽ thấp hơn vì đây là do tổ chức công đoàn đứng ra chủ quản. Tôi hi vọng sẽ sớm có những dự án như vậy tại Thái Nguyên để công nhân xa nhà như chúng tôi có nơi ăn chốn ở đàng hoàng" - chị Nhung cho hay.

Cùng chung suy nghĩ, chị Triệu Thị Lý (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) đang làm việc tại nhà máy Samsung Thái Nguyên cho hay, tổ chức công đoàn làm nhà rồi cho thuê cũng rất tốt. Bên cạnh giá hợp lý thì an ninh trật tự và các tiện ích, thiết chế văn hoá cho người công nhân cũng sẽ có.

"Bản thân tôi không có nhu cầu và điều kiện để mua căn nhà vài trăm triệu đến cả tỉ đồng, tôi muốn thuê trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp. Mong là có những quy định cụ thể và ưu đãi về giá, thời gian thuê cho người công nhân" - chị Lý nói.

Hiện nay, tại các KCN của tỉnh Thái Nguyên, đã phát triển được gần 5.000 căn hộ cho công nhân. Tuy nhiên, số này cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của công nhân, người lao động.

Tỉnh Thái Nguyên đang chuẩn bị khởi công Dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội tại TP Thái Nguyên với quy mô 11,3 ha, gồm 11 tòa cao từ 5 đến 10 tầng. Khi hoàn thành giai đoạn I, dự án sẽ cung cấp cho thị trường gần 700 căn hộ cho công nhân, nhà ở xã hội.

Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu. Cụ thể, đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, tổng diện tích 3.135.000 m2. Con số này chỉ mới đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn