MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đi làm từ sáng sớm đến tối muộn, công nhân dường như không còn thú vui giải trí cho bản thân. Ảnh minh hoạ: Mạnh Cường.

Công nhân thiếu thốn nhu cầu vui chơi, giải trí

Mạnh Cường LDO | 29/08/2023 06:00

6h35 phút ra khỏi nhà, 18h tối mới về, chị Nguyễn Thu Giang - công nhân may tại Nam Định chưa một ngày nào đưa - đón con đi học trọn vẹn. Sinh hoạt, học tập của con ban ngày tất cả phải nhờ ông bà nội và chồng hỗ trợ.

Theo quy định, 7h công ty bắt đầu vào làm nhưng công nhân phải đến trước 10 phút để họp kế hoạch và nhận việc. Vì thế, sáng nào cũng vậy, chậm nhất 6h35 chị Giang đã phải dắt xe ra khỏi nhà.

“Trường mầm non con tôi học mùa hè 6h45, mùa đông 7h mới đón trẻ nên tôi không thể đưa con đi học sớm được. Việc ăn uống buổi sáng và đưa con đi học toàn phải nhờ đến ông bà nội và chồng” - chị Giang tâm sự.

Hiếm có thời gian đưa - đón con đi học, việc vui chơi, giải trí cũng trở nên xa xỉ với chị Giang. Đi làm cả tuần vất vả, chị chỉ mong đến chủ nhật để nghỉ ngơi, không có nhu cầu vui chơi.

Chị Giang chào con đi làm mỗi sáng. Ảnh: Mạnh Cường.

Thu nhập hạn chế nên những chuyến đi chơi xa, tốn kém chị Giang cũng chỉ dám đi 1 lần/năm vào những lúc được nghỉ lễ dài ngày. Mỗi lần đi, chị lại tính toán khắt khe các khoản để không bị lãng phí quá nhiều.

“Cuộc sống công nhân khiến tôi cảm thấy đi làm chỉ để tồn tại, cứ lặp đi lặp lại trong khi sức khỏe ngày càng đi xuống. Nhiều lúc tôi muốn xin nghỉ để học nghề làm đẹp nhưng lại sợ công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh khiến tôi lo lắng” - chị Giang nói.

Đồng cảnh ngộ với chị Giang, công nhân may Trần Thanh Thảo (30 tuổi, Thanh Hoá) cũng phải chi ra mỗi tháng 700.000 đồng để thuê người đưa - đón 2 con đi học mỗi ngày. Mấy tháng nay ít việc phải về sớm nên buổi chiều chị đã tranh thủ vào đón con về, giảm chi phí xuống còn 400.000 đồng/tháng.

Tối về đến nhà, chị Thảo lại tranh thủ dạy con học, xem phim cùng gia đình. Thi thoảng sang nhà hàng xóm chơi hoặc đi thể dục, không mấy khi vào nhà hàng ăn uống như người khác. Phần vì tốn kém phần vì không có thời gian.

"Dù công ty ít việc, thu nhập giảm nhưng tôi lại có thời gian bên con. Không như trước đây, đi làm từ sáng sớm đến tối muộn, tôi không thể đứa đón con đi học mỗi ngày, nói gì đến việc sát sao với con" - chị Thảo cho hay.

Từ bỏ công việc tự do trên Hà Nội về quê, anh Nguyễn Đức Chinh (46 tuổi, Nam Định) công nhân mài đế giày cho biết: “Làm công nhân được cái lương ổn định nhưng cuộc sống mất dần niềm vui, ý nghĩa”

Mỗi tháng, anh Chinh làm luân phiên 2 tuần ngày, 2 tuần đêm. Những tuần đêm về đến nhà là tranh thủ tắm rửa, ăn cơm rồi lên giường ngủ đến 16h chiều mới dậy dọn dẹp, ăn uống tối lại đi làm, chẳng thể đi đâu.

Kể rõ hơn, anh Chinh cho biết, nếu làm ca ngày về đến nhà cũng đã 8h tối. Vệ sinh cơ thể, ăn uống xong là 9h. Lúc đó, mọi người ở quê đã đi nghỉ hết, muốn đến nhà người khác chơi cũng ngại, cuộc sống cứ lặp đi lặp lại như vậy từ ngày này qua tháng khác.

Làm công nhân rất khó xin nghỉ nên khi dòng họ hay người thân có giỗ chạp, gần như anh Chinh phải xin "khất". Lâu dần, khoảng cách giữa anh với mọi người cũng xa hơn.

Du lịch đối với gia đình nam công nhân là điều vô cùng xa xỉ bởi hàng tháng anh vẫn phải gửi tiền cho người con út đang học đại học.

Chia sẻ về thú vui giải trí sau mỗi ngày đi làm về mệt mỏi, anh Chinh giơ chiếc điện thoại lên và nói: “Nếu còn sớm thì gọi cho con cái hoặc bạn bè nhìn mặt nói chuyện, muộn rồi thì mở lên xem phim ngủ lúc nào cũng chẳng biết”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn